Còn nhiều bất cập
Hệ thống giao thông thông minh ITS trên các tuyến cao tốc bao gồm bảng điện tử, camera giám sát tự động... không chỉ cung cấp thông tin về tình trạng tuyến đường, mật độ xe, mà còn giúp phát hiện và điều phối kịp thời các sự cố, tai nạn trên đường.
Theo ông Ngô Huy Thuần – Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, mặc dù hệ thống ITS hoạt động rất hiệu quả, giúp tinh giản nhân lực trong công tác quản lý giao thông cao tốc, tuy nhiên, ngoài các tính năng đã làm tốt, phần mềm còn một số tính năng cần phải cập nhật.
Ví dụ như các tính năng về quản lý tài sản. Hiện nay, hệ thống chưa có chức năng cảnh báo khi xe khi va chạm vào các tài sản của đường cao tốc, hoặc là việc phân tích thông tin xe quá khổ, hay liên quan đến việc quản lý hành lang tuyến đường còn hạn chế.
Tiếp theo, việc chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ITS cũng là một bất cập, bởi hiện nay tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình và BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ công nghệ ITS chưa liên thông với nhau, trong khi hai tuyến đường lại liên thông với nhau.
Điều này dẫn đến công tác phối hợp để xác định xe đi vào vị trí có nguy cơ ùn tắc hoặc sự cố phải thông tin qua các kênh phát thanh như VOV hoặc truyền tin nhắn, không liên kết được hệ thống ITS.
Công tác chia sẻ thông tin liên tuyến chưa liền mạch dẫn đến việc một số tài xế không biết vẫn đi vào các tuyến đang xảy ra sự cố gây ùn tắc thêm.
Theo ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, hệ thống giao thông thông minh ITS rất phức tạp đòi hỏi công nghệ tối tân, đồng bộ. Nếu rời rạc thì thông tin chỉ hình thành trong nội tuyến, một thông tin ở tuyến này không thể báo sang tuyến khác và người đi đường của tuyến khác.
Do đó, cơ quan Nhà nước cần nghiên cứu đưa ra hệ thống có tính bền vững lâu dài và tính kết nối cao để toàn bộ các tuyến kết nối với nhau, kết nối về trung tâm vùng, trung tâm Quốc gia.
Làm chủ công nghệ
Theo ông Đỗ Bá Dân, để tăng tính liên kết và hiệu quả của hệ thống ITS vấn đề mấu chốt là phải làm chủ được công nghệ lõi. Việc liên kết, liên thông những khu vực với nhau để truyền tải thông tin đòi hỏi phải định nghĩa được các giao thức, gói tin, truyền tải thông tin gì với nhau.
Ví dụ, thông tin gây ùn tắc tuyến này sẽ truyền cho tuyến lân cận hoặc các tuyến nào cần thông tin đó. Phải xác định được một người đang đi trên tuyến A cần sang tuyến B có thể nắm được thông tin ùn tắc để rẽ sang tuyến khác thay đổi lộ trình.
Về tính đồng bộ, hiện nay có nhiều thiết bị, nhiều hãng cung cấp phần mềm, cần xem xét đầu tư làm sao để hệ thống phần mềm phải tích hợp linh hoạt được các thiết bị khác. Bởi nếu sử dụng những phần mềm mang tính chất đóng gói, khả năng tương thích kém thì rất dễ gặp vấn đề khi tích hợp và đồng bộ giữa các tuyến với nhau.
“Để hệ thống ITS đạt được hiệu quả và có tính bền vững cao thì phải làm chủ được hệ thống phần mềm tất cả các tuyến” – ông Đỗ Bá Dân nhận định.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hệ thống giao thông thông thông minh ITS tại hầm Đèo Cả, ông Đỗ Bá Dân cho biết, đơn vị đã triển khai hệ thống ITS tại đây được gần 10 năm. Đây là hệ thống tiên tiến, đến thời điểm hiện tại đã tối ưu nhiều tính năng, có cả cổng hỗ trợ liên thông dữ liệu; là hệ thống điển hình gồm tất cả những hệ thống quan trọng nhất của ITS gồm: phân hệ cho điều khiển hầm, phân hệ liên quan đến tuyến, tích hợp thu phí, cân tự động...
“Thông thường, một trung tâm chỉ có tuyến thường chỉ có 1 hệ thống riêng rẽ nhưng Đèo Cả đã tích hợp đủ cả hầm và tuyến. Hơn nữa, đây là một sản phẩm của Việt Nam nên có tính mềm dẻo, linh động cao để kết hợp được với nhiều hệ thống khác.
Thực tế, năm 2010, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương chính thức đưa hệ thống ITS vào sử dụng. Nhưng sau hơn 5 năm, hệ thống ITS của cao tốc này do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt gặp nhiều hư hỏng. Đến năm 2020, hệ thống mới bắt đầu được sửa chữa nhưng phải thuê chuyên gia nước ngoài, rất phức tạp.
Ông Đỗ Bá Dân đề xuất, Nhà nước có thể xem xét rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước để tìm phần mềm công nghệ phù hợp, nhưng nếu có thể, Việt Nam hãy chủ động bằng các đơn vị cung cấp công nghệ tại Việt Nam.
"Bên cạnh việc làm chủ về công nghệ thì khi có những sự cố về sửa chữa, xử lý các tình huống hay nâng cấp, các đơn vị có thể chủ động ngay từ trong nước mà không cần chờ đợi chuyên gia nước ngoài " - ông Đỗ Bá Dân nói.
Huyền Sâm