Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là thay thế xe cũ, nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt nhằm giảm ô nhiễm môi trường, an toàn, thân thiện hơn với hành khách.
|
Giá vé rẻ, phương tiện được đầu tư mới, hạ tầng điểm đỗ được nâng cấp đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, gia tăng sản lượng khách cho xe buýt. |
Xe buýt đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong hệ thống vận tải hành khách công cộng nói riêng và sự phát triển văn minh của Thủ đô Hà Nội.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, nhiều năm qua, để tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông, không chỉ hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở mang mà mạng lưới xe buýt của thành phố cũng được tập trung đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại. Đến nay, Hà Nội đã có 124 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%), 66/71 bệnh viện (đạt 93%), 296/708 trường THCS, THPT (đạt 42%), 32/37 khu công nghiệp (đạt 86%), 82/85 khu đô thị mới (đạt 96%).
Với hơn 1.200 phương tiện - đa dạng về chủng loại với xe buýt nhanh BRT, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, xe City Tour..., được trang bị nhiều tiện ích như: Wifi miễn phí; hệ thống thông báo, cảnh báo bằng âm thanh; sàn thấp, bán thấp phục vụ người khuyết tật, người già..., mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã tạo sức hút với hành khách.
Tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn thành phố năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017. Sự phát triển của mạng lưới xe buýt đã góp phần hạn chế đáng kể phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, sự phát triển của xe buýt thời gian qua cho thấy, không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, mà xe buýt còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, góp phần xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Hà Nội.
Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách, tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị vận tải công cộng chủ lực ở thành phố, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ công nhân viên, lái xe, bán vé... luôn được đặc biệt quan tâm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật cho biết, đơn vị liên tục tổ chức các lớp đào tạo chuyên đề về thái độ phục vụ, nhất là dành cho đội ngũ lái xe, phụ xe, bán vé... Kỹ năng giao tiếp và thái độ niềm nở, vui vẻ với khách hàng luôn là nội dung được đặc biệt chú trọng trong các buổi tập huấn, đào tạo. Tại các lớp học, học viên sẽ được hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức cơ bản, cách thức giao tiếp với khách hàng và xử lý tình huống phát sinh. Với lái xe, sẽ được cung cấp kiến thức sâu về kỹ năng điều khiển phương tiện trong điều kiện giao thông ở thành phố, xử lý tình huống trên đường...
|
Xe buýt đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong hệ thống vận tải hành khách công cộng. |
Bên cạnh nâng cao kỹ năng, thái độ phục vụ hành khách cho cán bộ, nhân viên, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải công cộng đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, thay thế xe cũ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định, xu thế sử dụng những phương tiện sạch, thân thiện môi trường đang được nhiều nước trên thế giới lưu tâm và xe buýt cũng không nằm ngoài xu thế đó nhằm tăng tiện nghi, cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, các xe đang hoạt động hầu hết có tuổi thọ dưới 10 năm, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4, nhiều xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Riêng tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, đổi mới phương tiện hiện đại, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện đang hoạt động. Ngoài việc thay mới phương tiện, đơn vị đặc biệt quan tâm đến các xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường.
Các chuyên gia nhận định, để phát triển được một mạng lưới xe buýt rộng khắp như Hà Nội là không dễ, đòi hỏi chính quyền thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan phải có quyết tâm và quan trọng hơn là phải có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ. Có được thành công đó trước hết là nhờ những chính sách ưu tiên đặc biệt của Thành phố dành cho xe buýt, trong đó có trợ giá xe buýt. Giá vé rẻ, phương tiện được đầu tư mới, hạ tầng điểm đỗ được nâng cấp đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, gia tăng sản lượng khách cho xe buýt.
Là một hành khách có thâm niên đi xe buýt, GS.TS - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Duy Minh (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận xét, xe buýt Hà Nội đã phát triển, đổi thay nhanh chóng cả về chất và lượng nhờ sức bật mạnh mẽ trong thời gian qua. Sức bật đó chính là những giải pháp đột phá cả về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển của Thành phố đối với xe buýt và cung cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp của các doanh nghiệp vận tải. Mạng lưới luồng tuyến xe buýt không ngừng được điều chỉnh, hợp lý hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng. Xe buýt Hà Nội đã rất gần gũi với người dân qua những tiêu chí “văn hóa xe buýt” phù hợp với văn minh đô thị hiện đại.
Để tạo điều kiện tốt nhất và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, mới đây, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng điểm đón trả khách trên các tuyến, thống nhất lựa chọn 307 vị trí có thể đầu tư lắp đặt nhà chờ xe buýt.
Trong khu vực nội thành, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt theo hình thức đối tác công - tư (trong đó 235 nhà chờ lắp đặt mới, thay thế 365 nhà chờ hiện có theo lộ trình); lắp đặt 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo... Hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị giúp tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.