 |
Hệ thống điện mặt trời được triển khai tại hầm đường sắt Đèo Cả. |
Hệ thống điện mặt trời được triển khai bởi Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh, bao gồm các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt ngoài cửa hầm, kết hợp với thiết bị lưu trữ và chuyển đổi điện bên trong hầm. Nhờ đó, công trình đã cung cấp điện chiếu sáng ổn định cho các hầm Vũng Rô 2, Vũng Rô 3, Vũng Rô 4, cùng nhiều nhà gác hầm ở khu vực chưa có điện lưới.
Đèn chiếu sáng được bố trí hợp lý, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động kiểm tra, thi công và bảo trì, trong điều kiện môi trường ẩm ướt, tối tăm và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tại khu vực Đèo Cả – một trong những đoạn đường sắt hiểm trở nhất cả nước.
Với gần 20 chuyến tàu/ngày và có thể tăng lên 30 chuyến/ngày vào các dịp cao điểm, nhu cầu kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trong hầm là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, thiếu ánh sáng và không có điện lưới lâu nay vẫn là trở ngại lớn, cản trở hiệu quả và an toàn của công tác bảo trì.
Chỉ sau một tháng thi công khẩn trương, công trình điện mặt trời tại Đèo Cả đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, thể hiện nỗ lực đổi mới của ngành đường sắt trong việc tiếp cận các giải pháp công nghệ xanh và bền vững.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VNR, khẳng định: “Việc đưa điện mặt trời vào vận hành tại các hầm đường sắt Đèo Cả là bước đi tiên phong, thể hiện rõ định hướng ứng dụng năng lượng tái tạo để giảm chi phí vận hành và nâng cao tính tự chủ năng lượng cho ngành đường sắt.”
Việt Nam hiện đang học hỏi và áp dụng các mô hình tiên tiến từ các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Anh, nơi mà điện mặt trời đã được tích hợp rộng rãi trong hệ thống đường sắt – từ nhà ga đến tuyến đường chính.
Việc đưa hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời vào vận hành tại Đèo Cả không chỉ nâng cao hiệu quả vận hành, bảo trì mà còn là minh chứng cho cam kết chuyển đổi năng lượng sạch trong hạ tầng giao thông, phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm mà Việt Nam đang theo đuổi.
Vũ Linh