Nhiều điểm mới trong quy hoạch cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc

 
Chia sẻ

Nếu đầu tư 6 bến như ban đầu, Lạch Huyện sẽ lại rơi vào cảnh “đói hàng”, quy hoạch quá lớn nhưng ít tàu vào giống Cái Mép - Thị Vải...

Nhieu diem moi trong quy hoach cang nuoc sau lon nhat mien Bac - Hinh anh 1
Quá trình phát triển cảng Lạch Huyện được Bộ GTVT theo dõi chặt chẽ và có sự điều chỉnh quy hoạch kịp thời, đảm bảo hiệu quả khai thác

Cảng Lạch Huyện là một trong những cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, là cảng trọng điểm lớn nhất miền Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở từ 6.000 - 8.000 Teus và tàu tổng hợp tải trọng 50.000 - 100.000 DWT, giúp hàng hóa XNK của Việt Nam đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc,...

Cùng với những điểm mới trong quy hoạch, cụm cảng lớn nhất miền Bắc này cũng đang đối diện nhiều thách thức, cần sớm tìm giải pháp để nâng cao năng lực khai thác cảng.

Chủ sở hữu hai bến khởi động được chuyển đổi

Theo tìm hiểu, hai bến khởi động (số 1, số 2) thuộc hợp phần B cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) ban đầu do Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) nghiên cứu đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, giai đoạn khởi động này đã được Vinalines chuyển giao cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho biết, việc chuyển giao được đơn vị thực hiện để công tác tái cơ cấu Tổng công ty được tập trung, hiệu quả.

Hiện tại, bến số 1 và số 2 cảng Lạch Huyện do Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hải Phòng (HICT) đầu tư đã đi vào hoạt động (5/2018). Hai bến có tổng chiều dài 750m, tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải 160.000 DWT.

Cảng nước sâu được quy hoạch có bến thủy nội địa riêng

Tại cuộc họp báo cáo đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Hải Phòng diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhận định, muốn có phương tiện thủy nội địa kết nối với Lạch Huyện, phải quy hoạch lại để có thể xây dựng các bến tiếp nhận các phương tiện thủy nội địa riêng biệt, cạnh các bến đón tàu biển lớn.

Nếu phương tiện thủy nội địa vào chung bến với tàu biển sẽ diễn ra tình trạng chiếm cầu cảng, máy móc thiết bị xếp dỡ hiện đại được trang bị nếu phục vụ phương tiện thủy nội địa thì hiệu quả rất thấp.

Trên cơ sở đó, đề án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng Lạch Huyện đã được Cục Hàng hải VN phối hợp với Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy xây dựng. Trong đó, xác định khu bến thủy nội địa sẽ được bố trí xen kẽ bến container để thuận tiện trong tác nghiệp xếp dỡ hàng hóa.

Nhieu diem moi trong quy hoach cang nuoc sau lon nhat mien Bac - Hinh anh 2
Liên tiếp các siêu tàu đã cập cảng Lạch Huyện trong năm 2019 song việc cỡ tàu gia tăng nhanh chóng đặt ra thách thức cho Lạch Huyện trong công tác mở rộng luồng lạch

Luồng kết nối cảng có nguy cơ quá tải do tàu vượt cỡ

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo thiết kế cũ, luồng vào Lạch Huyện chỉ phục vụ tàu 50.000 DWT đầy tải, 100.000 DWT giảm tải. Nhưng do các tàu trọng tải lớn (trên 100.000 DWT) được sử dụng càng nhiều nhằm tiết giảm chi phí vận tải, nhiên liệu dẫn đến luồng 160m hiện tại chỉ phục vụ được một chiều tàu.

Thực tế, thời gian qua, các tàu cập cảng Lạch Huyện luôn có trọng tải trên 100.000 DWT. Gần đây nhất, tháng 5/2019, tàu Wan Hai 805 trọng tải 132.000 DWT đã cập cảng Lạch Huyện, trở thành tàu siêu trọng đầu tiên chạy thẳng từ Lạch Huyện tới khu vực bờ Tây Hoa Kỳ.

Trước xu hướng gia tăng cỡ tàu, tại báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện được Cục Hàng hải công bố mới đây, đơn vị tư vấn đề xuất giai đoạn sau năm 2030, các cấp chức năng cần quy hoạch, mở rộng luồng vào Cảng Lạch Huyện thành luồng 2 chiều, độ sâu chuẩn tắc đến -16m.

Quy hoạch chi tiết phải điều chỉnh để tránh “đói hàng” như CM-TV

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quy hoạch cảng Lạch Huyện trước đây đề ra lộ trình đến trước năm 2020 sẽ đầu tư 6 bến cảng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nếu đầu tư 6 bến, Lạch Huyện sẽ lại rơi vào cảnh “đói hàng”, quy hoạch quá lớn nhưng ít tàu vào giống CM-TV ở giai đoạn đầu tiên. Do đó, tiến độ đầu tư bến cảng Lạch Huyện đã có điều chỉnh.

Tìm hiểu của PV, tại báo cáo điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện mới nhất, quy mô khu bến thương mại Lạch Huyện thay vì gộp chung mục tiêu phát triển 6 bến container, 3 bến tổng hợp giai đoạn đến năm 2020, 17 bến container và 7 bến tổng hợp đến năm 2030 đã được xây dựng lộ trình cụ thể hơn.

Trong đó, giai đoạn đến năm 2025, bến thương mại Lạch Huyện sẽ có 5 - 6 bến container và 2 bến tổng hợp, 2 bến hàng lỏng cho tàu trọng tải 50.000 DWT. Đến năm 2030, có thêm 12-13 bến container, 5 bến tổng hợp và 4 bến hàng lỏng.

Nhieu diem moi trong quy hoach cang nuoc sau lon nhat mien Bac - Hinh anh 3
Thời gian tới đây, hai bến số 3 và số 4 thuộc cảng Lạch Huyện sẽ tiếp tục được Vinalines đầu tư xây dựng. Dự thảo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - Ảnh minh họa

Giao thông kết nối cảng bị "phá vỡ" do du lịch phát triển

Theo Cục Hàng hải VN, trước đây, việc xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện chỉ nhằm mục đích phục vụ luân chuyển hàng hóa cho cảng Lạch Huyện. Tuy nhiên, hiện nay, các khu vực: Cát Hải, Cát Bà phát triển trở thành khu du lịch lớn, thu hút rất nhiều nguồn lực vào phát triển du lịch, xuất hiện nhiều phương tiện cá nhân, người dân đi lại, không có đường cho phương tiện thô sơ dẫn đến tình trạng xe lớn, xe bé trên tuyến đường rất mất an toàn.

Trước thực trạng đó, đơn vị lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến Lạch Huyện đã kiến nghị các cấp chức năng nghiên cứu, xây dựng thêm một cầu kết nối Hải Phòng - Cát Bà phục vụ riêng cho du lịch, tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông kết nối cảng và mất ATGT như hiện nay.

Theo báo Giao thông

Tin liên quan