Sai phạm tại Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Luật sư Trần Hậu bày tỏ, trước những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cần làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Không dừng lại ở xử lý các vi phạm trực tiếp (!?)
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tổng vốn đầu tư khoảng 34.500 tỷ đồng, nhưng chỉ trong vòng một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã liên tục hư hỏng. Khi báo chí vào cuộc thì hàng loạt sai phạm bị phát lộ, phanh phui.
Trong đó, báo Kinh tế & Đô thị đã chỉ ra những sai phạm tại cao tốc 34.500 tỷ này như: Có dấu hiệu bớt xén, thay đổi vật liệu khi thi công dẫn đến chất lượng công trình kém; nhà thầu bán nguyên gói thầu lớn; công tác thiết kế, thi công, giám sát và quản lý có vấn đề.
Ngày 13/10/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thị sát cao tốc, chứng kiến những điểm hư hỏng mặt đường, đã thốt lên: “Thế này thì có vấn đề thật rồi!”. Ông Thọ sau đó nói với báo chí rằng, Bộ GTVT sẽ xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan.
Ngày 13/2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Những bị can này nguyên là giám đốc, phó giám đốc các gói thầu thi công dự án. Trước đó, 4 bị can khác đã bị truy tố trước pháp luật.
Như vậy, đã có 9 cá nhân bị khởi tố liên quan đến những sai phạm tại Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vấn đề dư luận quan tâm là cơ quan chức năng không chỉ dừng lại việc xử lý các vi phạm trực tiếp gây ra hậu quả nặng nề, mà cần kiện toàn các giải pháp để quản lý được hoạt động đầu tư xây dựng các công trình lớn có ý nghĩa quốc gia.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, việc xử lý nghiêm các sai phạm tại dự án này là rất cần thiết, đảm bảo tính công minh, nghiêm khắc của pháp luật. Đồng thời cũng là biện pháp hữu hiệu để răn đe, phòng ngừa tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, cấu kết tham nhũng bao che sai phạm vốn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.
“Tôi cho rằng, không chỉ xử lý các vi phạm trực tiếp xảy ra các hậu quả nặng nề này, mà cần kiện toàn các giải pháp sao để quản lý được hoạt động đầu tư xây dựng các công trình lớn có ý nghĩa quốc gia, nếu không sẽ còn những trường hợp tương tự như thế này sẽ xảy ra”, Luật sư Hậu nói.
Cũng theo Luật sư Hậu: Việc quản lý ở khâu đầu không chặt chẽ, đến khi sai phạm đã gây ra rất nhiều hậu quả mới xử lý thì mọi thứ đã đổ bể, những thiệt hại to lớn hầu như không bù đắp được, nguồn ngân sách nhà nước từ nguồn thuế người dân phải mãi gánh chịu cho những lỗ hổng quản lý là rất đau xót.
Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư
Rõ ràng, hàng loạt sai phạm tại dự án giao thông trọng điểm quốc gia này có tính chất nghiêm trọng đặc biệt và có hệ thống. Vì thế, theo Luật sư Trần Hậu: “Không chỉ dừng ở việc điều tra các hành vi trái quy định pháp luật về xây dựng, các sai phạm tại dự án này còn cần thiết được làm rõ, xác minh liệu có hay không hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn bao che, thực hiện các hành vi trái pháp luật của các đối tượng liên quan trong sự việc này”.  
Luật sư Hậu bày tỏ: “Hiện nay các cơ quan chức năng đang tập trung xác minh các hành vi sai phạm của các nhà thầu dự án, tuy nhiên trước những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng này cũng cần làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư dự án là VEC”.
Luật sư Hậu cho biết: Theo quy định tại Luật Xây dựng, các Thông tư quy định về chất lượng và bảo trì công trình xây dựng có quy định rõ: Chủ đầu tư là đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để hoạt động đầu tư xây dựng, mọi khâu thiết kế, xây lắp, xây dựng, bảo trì công trình đều phải được chủ đầu tư chủ trì nghiệm thu hoàn thành mới được đưa vào sử dụng và thanh quyết toán.
Do vậy, qua quá trình xác minh điều tra của các cơ quan chức năng, nếu có đủ cơ sở kết luận chủ đầu tư lợi dụng chức vụ quyền hạn có các hành vi như như lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng; ban hành quyết định đầu tư xây dựng không đúng Luật Xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng hay có hành vi dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả các gói thầu mà gây thiệt hại tài sản thì có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 224 Bộ luật Hình sự.
Mức phạt tù đối với hành vi này có thể lên đến 20 năm tùy từng trường hợp cụ thể. Cùng với đó, các trách nhiệm xử lý kỷ luật cũng được đặt ra với các đối tượng làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
“Thời gian qua, với hàng loạt các vấn đề về chất lượng quá thấp của các công trình quan trọng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rõ ràng cần có sự tổng rà soát lại hoạt động quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên cả nước”, Luật sư Hậu chia sẻ thêm.
Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Cao tốc có tổng chiều dài 139,2km, vốn đầu tư khoảng 34.500 tỷ đồng. Khởi công vào ngày 19/5/2013, cao tốc đưa vào khai thác đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam) từ ngày 2/8/2017; đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi thông xe đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018. Đưa vào khai thác không lâu thì cao tốc hư hỏng mặt đường, nhiều chỗ phải cào lên làm lại. Một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột…

Quang Hải

Tin liên quan