Sẽ chuẩn hóa nhà chờ xe buýt

 
Chia sẻ

Việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc đấu thầu được tổ chức rộng rãi, công khai, minh bạch nhằm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực. Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn về chủ trương đầu tư xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt và biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành.

Se chuan hoa nha cho xe buyt - Hinh anh 1
Nhiều nhà chờ xe buýt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của hành khách. Ảnh: Tuấn Khải

- Xin ông cho biết, hiện trạng của hệ thống nhà chờ xe buýt và sự cần thiết phải đầu tư dự án?

- Khu vực 12 quận nội thành của thành phố Hà Nội hiện có 1.078 điểm dừng đón, trả khách cho xe buýt, trong đó chỉ có 365 điểm được đầu tư nhà chờ có mái che đạt khoảng 33,8% (66,2% vị trí còn lại không có nhà chờ).

Qua rà soát, việc đầu tư và quản lý hệ thống nhà chờ hiện nảy sinh một số bất cập. Cụ thể, hình thức đầu tư nhỏ lẻ, không đồng bộ về mẫu mã thiết kế. Việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách. Các dữ liệu thông tin, tiện ích phục vụ hành khách tại các nhà chờ chưa đồng bộ, hiện đại...

Cùng với đó, tại địa bàn có nhiều loại biển quảng cáo trên dải phân cách thuộc phân cấp quản lý của thành phố, cho nhiều công ty quảng cáo khai thác nên xảy ra tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ. Không ít trường hợp xây dựng không phép, sai giấy phép, biển hiệu không đúng quy định, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị...

Do vậy, việc đầu tư xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận sẽ mang đến cho thành phố một hệ thống nhà chờ xe buýt đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chất lượng phục vụ nhân dân. Cùng với đó, thông tin đô thị, du lịch theo yêu cầu của thành phố sẽ được thể hiện một cách chuyên nghiệp, mới mẻ trên nền công nghệ hiện đại.

- Tại sao Sở Giao thông - Vận tải đề nghị áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) trong việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt mà không phải là hình thức đầu tư khác, thưa ông?

- Trên cơ sở rà soát cụ thể các hình thức đầu tư và đối chiếu quy mô, định hướng đầu tư của thành phố, Sở nhận thấy việc lựa chọn theo hình thức PPP với loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) là phù hợp nhất do việc đầu tư xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành nhằm mục đích công cộng, phục vụ nhân dân và xã hội, không thu chi phí dịch vụ.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư theo hình thức này là phù hợp, huy động được các nguồn lực ngoài xã hội vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng; thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại. Cùng với đó, việc đầu tư theo hình thức PPP tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

- Nếu được chấp thuận thực hiện, các nhà chờ, biển quảng cáo sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế và khai thác thế nào để phát huy hiệu quả?

- Hiện tại, việc thiết kế, thẩm định đang được các cơ quan chuyên môn thực hiện. Các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án này sẽ được xác định chính xác theo báo cáo nghiên cứu khả thi được các cơ quan chuyên môn thẩm định và được UBND thành phố phê duyệt.

- Một trong những nội dung dư luận quan tâm là tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng 600 nhà chờ xe buýt là chưa hợp lý. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

- Theo nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi do Sở trình thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư huy động 100% vốn để đầu tư mới 600 điểm nhà chờ xe buýt, trong đó thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình và lắp đặt mới 270 nhà chờ tại các điểm dừng hiện chưa có nhà chờ, với chi phí xây dựng là 230 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng gồm các chi phí duy trì hoạt động, sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng trong thời gian dự kiến là 20 năm.

Thời gian quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt của nhà đầu tư sẽ được xác định cụ thể theo báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, kết quả đấu thầu và hợp đồng được ký kết với nhà đầu tư.

- Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu thế nào để bảo đảm công khai, minh bạch và bao giờ dự án được triển khai, thưa ông?

- Dự án sẽ được thực hiện theo đúng các trình tự, quy định pháp luật. Sau khi dự án được thành phố phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được đấu thầu rộng rãi theo quy định Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/NĐ-CP ngày 4-5-2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP và các quy định liên quan để bảo đảm công khai, minh bạch, qua đó chọn được nhà đầu tư có năng lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Các nhà đầu tư quan tâm có thể theo dõi và nắm bắt thông tin, tìm hiểu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hànộimới

Tin liên quan