Thu nộp phạt giao thông để đầu tư hạ tầng, công nghệ

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, sở dĩ nhiều ý kiến cho rằng mức phạt vi phạm giao thông quá cao không mang đến hiệu quả tích cực là do chưa hiểu rõ về các khoản chi từ nguồn thu này. Để người dân hiểu và ủng hộ, cần làm rõ việc chi từ nguồn thu nộp phạt giao thông là để tăng cường hiệu quả cho chính công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Thời gian qua không ít ý kiến cho rằng cần làm rõ các khoản chi từ khoản thu nộp phạt vi phạm giao thông. Đây là mong muốn chính đáng của người dân, hơn nữa càng công khai minh bạch sẽ càng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn dư luận trong Nhân dân. Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, các địa phương, cơ quan chức năng cần làm rõ những khoản chi, phần nào để đầu tư cho hạ tầng giao thông, phần nào để đầu tư cho lực lượng chức năng…

“Việc đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông đang cần nguồn vốn không nhỏ, lên đến hàng nghìn tỷ cho mỗi địa phương. Có thể lấy từ nguồn thu nộp phạt vi phạm để đầu tư và công khai cho người dân được biết để không còn những đồn đoán, ngờ vực” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, thực chất nguồn thu từ xử phạt vi phạm giao thông không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách của mỗi địa phương cũng như cả nước. Tuy nhiên, đó cũng là con số đáng kể, hơn nữa còn liên quan đến hoạt động xử phạt, vốn có sự nhạy cảm và rất cần được minh bạch. Bởi vậy, càng sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm vào những mục đích cụ thể, hữu ích, càng khiến người dân chấp hành tốt hơn. Cứ tăng mức phạt lên cao mà người dân không nắm được tiền phạt dùng làm gì sẽ càng khó được ủng hộ.

Thu nop phat giao thong de dau tu ha tang, cong nghe - Hinh anh 1

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Quan trọng hơn nữa là công tác xử phạt phải ngày càng minh bạch, công bằng. Muốn làm được như vậy phải giảm dần phạt trực tiếp, tăng dần phạt nguội, ứng dụng công nghệ vào giám sát, kiểm soát cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động xử phạt. Trên thực tế vi phạm còn nhiều, lực lượng chức năng chưa xử phạt hết được do hạn chế về nhân lực và công nghệ.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương cũng cho rằng nên có cơ chế đặc biệt chi từ nguồn thu xử phạt vi phạm cho lực lượng chức năng đảm trách công tác này. “Không nên quy định lực lượng chức năng - ví dụ như CSGT - được hưởng bao nhiêu phần trăm từ tiền phạt, mà nên tăng thêm tiền lương, phụ cấp, tiền làm ngoài giờ cho cán bộ, chiến sĩ để bảo đảm cuộc sống, nâng cao tinh thần nỗ lực. Hơn nữa, hầu hết lực lượng chức năng tham gia xử phạt vi phạm giao thông đều phải đối diện với những rủi ro trên đường, khó khăn vất vả hơn nhiều ngành nghề khác, nên việc tăng thêm thu nhập cũng là chính đáng và cần được quan tâm đúng mức” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.

Một vấn đề khác nữa là chi cho tuyên truyền, giáo dục ý thức, văn hóa cũng như luật giao thông hiện đang sử dụng nguồn từ ngân sách bảo đảm trật tự, ATGT của các địa phương. Khoản chi này chắc chắn không nhỏ và không thể thiếu. Nếu tận dụng từ khoản thu nộp phạt vi phạm sẽ san sẻ được phần nào gánh nặng cho Nhà nước. Nhưng để thực hiện được cần có biện pháp chi phù hợp.

Ví dụ như chi cho các cán bộ, chiến sĩ CSGT mức bồi dưỡng cao hơn nữa để họ tham gia các hoạt động tuyên truyền luật giao thông, giáo dục văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên. Hoặc đưa ra thêm hình thức xử phạt bằng cách bắt buộc người người vi phạm phải tham gia các lớp học về luật giao thông có đóng phí. Đó cũng là một hình thức vừa xử phạt, vừa giáo dục rất nhân văn và hữu ích.

Đồng quan điểm với thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương, nhiều chuyên gia nhận định, trước khi bàn tới chuyện tăng thêm mức xử phạt vi phạm luật giao thông nên làm rõ việc chi từ nguồn này. Khi thấy các khoản chi hợp lý và mang đến hiệu quả xã hội rõ nét, chắc chắn sẽ không còn những ý kiến trái chiều.

Đặng Sơn

Tin liên quan