Xây trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy

 
Chia sẻ

Ngày 18-10, Bộ GTVT có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Nhật về phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dự án BOT Cai Lậy, Tiền Giang.

Theo đó, Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công - tư, Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư dự án tiến hành ngay các công việc cần thiết, triển khai thu phí theo phương án 2 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là phương án UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến đề xuất vào cuối tháng 8 vừa qua.

Xay tram thu phi tren tuyen tranh Cai Lay - Hinh anh 1
Trạm thu phí Cai Lậy hiện tại


Bộ GTVT cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương làm việc với địa phương và triển khai ngay việc phân luồng giao thông đoạn qua thị xã Cai Lậy đảm bảo phù hợp, đúng quy định pháp luật để hoàn thành mục tiêu dự án, khai thác hiệu quả tuyến tránh và giảm ùn tắc tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy. Cùng đó, nhà đầu tư khẩn trương xây dựng phương án, ước tính kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh, thống nhất với địa phương vị trí đặt trạm (với kết cấu đơn giản, tiết kiệm nhất và có thu phí theo hình thức điện tử không dừng), dự kiến thời gian hoàn thành.

Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, lợi thế của phương án xây dựng thêm trạm mới (phương án 2) là phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm hạn chế kẹt xe cho quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Cai Lậy. Dự kiến, trạm thu phí tuyến tránh hoàn thành và đưa vào thu phí sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hai trạm thu phí sẽ thu song song, trạm nào hoàn vốn xong sẽ tháo dỡ trước.

* Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội. 


Theo quy hoạch, trên địa bàn TP Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ USD. Trong đó, đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND TP Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt này. Tuy nhiên, dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, gây bức xúc trong dư luận. Phó Thủ tướng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện, đúng quy định về hồ sơ thiết kế dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống. Bộ trưởng Bộ GTVT tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT-DL, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để UBND TP Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

* Ngày 18-10, Bộ GTVT cho biết đã phê duyệt xong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đấu thầu trong nước, với nhiều quy định được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn so với đấu thầu quốc tế.

Trước đây, trong hồ sơ mời sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư từng là nhà thầu đủ điều kiện tham gia khi làm một gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 30% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu, hiện tiêu chí này đã được điều chỉnh giảm xuống còn 20%. Đồng thời, Bộ GTVT đã bỏ quy định các nhà đầu tư tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp so với quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đây. Chỉ cần vốn chủ sở hữu của liên danh nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét là đáp ứng yêu cầu.

Theo Bộ GTVT, việc nới lỏng những quy định này nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng thiếu kinh nghiệm có thể liên kết với nhà đầu tư có năng lực về kinh nghiệm nhưng thiếu vốn để cùng nhau tham gia dự án.

SGGP

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h