Những chuyến tàu chở ký ức Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đôi tàu SE1 và SE4 kết nối trái tim mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất” cùng đoàn tàu hạng sang “Hoa phượng đỏ” đang làm nức lòng không chỉ người Hà Nội trong những ngày nắng tháng 5 trải vàng các nẻo phố. Ký ức Hà Nội bất chợt dội về như một cuốn phim trải dài theo tháng năm cùng bao thăng trầm của những chuyến tàu khởi hành từ ga Hàng Cỏ.

1. Ga Hà Nội - người Hà thành trước kia vẫn quen gọi ga Hàng Cỏ, không chỉ là nơi khởi hành của hàng chục đoàn tàu xuôi ngược Bắc Nam, mà còn là một biểu tượng sâu đậm của ký ức, văn hóa và lịch sử Thủ đô. Những chuyến tàu rời ga Hàng Cỏ không chỉ chở người đi xa, mà còn mang theo bao tâm trạng, hồi ức ngọt ngào, thậm chí cả một phần bản sắc văn hóa của người Hà Nội suốt hơn một thế kỷ qua.

Cùng thời với cầu Long Biên, ga Hà Nội là một trong những công trình lớn đầu tiên được người Pháp xây dựng ở Đông Dương. Với kiến trúc ban sơ đậm phong cách cổ điển Pháp, nơi ấy trở thành cửa ngõ giao thương chiến lược và văn hóa quan trọng của cả nước. Từ đây, các đoàn tàu nối Hà Nội với Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn… hình thành nên trục xương sống vận tải Bắc Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ga Hà Nội nhiều lần bị đánh phá, song vẫn vững vàng trụ lại, tiếp tục vai trò đầu mối hậu cần cho cả nước. Bao thế hệ người lính rời ga để vào chiến trường, bao cuộc tiễn đưa giữa sân ga thời bom đạn. Còn nhớ một lần đàm đạo chuyện ký ức, ông bạn chuyên gom nhặt những sắt son về Hà Nội của tôi rành rọt từng dấu mốc: “Tháng 12/1946, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, từ sân ga này, những chuyến tàu chở người sơ tán bắt đầu hành trình rời Thủ đô, trong khi các lực lượng vũ trang bám trụ bảo vệ Hà Nội. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh đoàn tàu đưa cán bộ cách mạng, thương binh và dân công trở lại Thủ đô trong ngày Giải phóng 10/10 là một dấu son trong ký ức nhiều người.

Nhung chuyen tau cho ky uc Ha Noi - Hinh anh 1

Tàu về ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

 Những chuyến tàu đầu tiên từ ga Hà Nội nối lại hành trình ra Bắc sau Hiệp định Geneve còn là biểu tượng của hòa bình và khát vọng thống nhất. Đặc biệt, đêm 21/12/1972, trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ga Hà Nội bị đánh phá dữ dội, một phần kiến trúc Pháp cổ bị phá hủy. Thế nhưng hệ thống ray và hoạt động tàu hỏa được phục hồi nhanh chóng để duy trì liên lạc hậu phương - tiền tuyến. Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, tuyến tàu Thống Nhất chính thức được khôi phục, trở thành biểu tượng của sự kết nối Bắc - Nam, của nước Việt Nam độc lập, thống nhất…”. Ga Hà Nội vì thế không chỉ là một địa điểm giao thông, mà còn là một chứng nhân lịch sử lặng lẽ nhưng kiêu hãnh.

2. Đối với người Hà Nội, những chuyến tàu là ký ức gợi nhớ sự xa cách, cũng là cầu nối gắn kết tình thân. Thời bao cấp, tàu là phương tiện duy nhất để về quê ăn Tết, đi học, đi công tác, đi làm ăn xa. Hình ảnh ga Hà Nội đông nghịt mỗi độ Tết, tiếng loa phát thanh gióng giả tên các chuyến tàu, những cuộc chia tay bịn rịn, những ánh mắt ngoái nhìn khi tàu chuyển bánh… trở thành những lát cắt cảm xúc không thể phai mờ trong tâm trí thế hệ tóc pha khói sương.

Không thể đếm được bao nhiều lần sân ga và những chuyến tàu rời ga hiện hình trong văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh. Thì đấy, từ những câu thơ “Chuyến tàu hoàng hôn” đến ca khúc “Một chuyến tàu đêm", “Tàu anh qua núi”, hay những trang viết đẫm hoài niệm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều… đều phảng phất đâu đó bóng dáng sân ga, tiếng còi tàu vọng lại giữa lòng người Hà Nội. Hình ảnh chuyến tàu luôn hiện diện như một biểu tượng của ký ức, sự chia xa và cả hy vọng hội ngộ.

Sân ga cũng là nơi tạo ra không gian giao thoa văn hóa phong phú. Mỗi chuyến tàu mang theo những người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mang theo khẩu âm, phong tục, lối sống, tạo nên một bức tranh đa sắc ngay giữa lòng Hà Nội. Những người bán hàng rong với thúng xôi, gánh chè, những tiếng rao trầm bổng từ sáng sớm tinh mơ cho đến đêm khuya cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của khu vực quanh ga Hàng Cỏ. Đặc biệt, từ phố Lê Duẩn, Trần Quý Cáp, Khâm Thiên đến Nguyễn Khuyến đã hình thành nên một quần thể dân cư đa dạng, nơi hội tụ cả người dân bản địa lẫn dân tứ xứ, hình thành nên cộng đồng cư dân gắn liền với đời sống đường sắt. Những quán cà phê xưa cũ nhìn ra đường ray, nơi người ta vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm những đoàn tàu lướt qua, đã trở thành một thú vui tao nhã đậm chất Hà thành.

3. Thăng trầm thời gian khiến ga Hà Nội khác thuở ban sơ. Kiến trúc Pháp cổ nay chỉ còn lại hai cánh nhà bên. Tàu hỏa không còn giữ vai trò độc tôn trong giao thông như xưa vì máy bay, xe khách chất lượng cao đã ào ạt hiện diện trong đời sống. Thế hệ trẻ có thể không còn nhiều ký ức gắn bó với những chuyến tàu như thế hệ ông bà, cha mẹ từng có. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ký ức về những chuyến tàu mất đi; trái lại, những giá trị xưa cũ, mộc mạc và đầy cảm xúc lại càng được trân trọng. Nhiều nhóm nhiếp ảnh, nghệ sĩ, bạn trẻ yêu Hà Nội đã chọn ga Hà Nội làm nơi sáng tác, ghi lại khoảnh khắc đoàn tàu chuyển bánh, người ta tạm biệt nhau giữa ánh đèn sân ga.

Cũng phải nói rằng, ngành đường sắt đã nỗ lực cải tiến dịch vụ, khôi phục phần nào hình ảnh “chuyến tàu kỷ niệm” thông qua các tuyến tàu du lịch khởi hành từ ga Hà Nội đi Lào Cai, Đồng Đăng, Vinh… Một số chuyến tàu cao cấp còn được nâng cấp nội thất, mở dịch vụ cà phê, wifi miễn phí, hướng đến trải nghiệm “tàu chậm nhưng đầy cảm xúc”.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao bảo tồn được không gian ký ức này trong quá trình đô thị hóa. Ga Hà Nội đang đứng trước các đề án cải tạo, nâng cấp hạ tầng hiện đại, trong đó có cả những đề xuất táo bạo như di dời ra khỏi trung tâm TP để giảm áp lực giao thông… Nhiều người tâm huyết với Hà Nội cho rằng, giải pháp lý tưởng là vừa giữ lại những hạng mục có giá trị lịch sử như mặt tiền cánh nhà Pháp cổ, sân ga, một số toa tàu cổ; vừa tích hợp thêm chức năng văn hóa như bảo tàng mini về đường sắt Việt Nam, không gian triển lãm ký ức Hà Nội qua chuyến tàu, tour văn hóa gắn với hành trình đường sắt... Nếu được khai thác đúng cách, ga Hà Nội có thể trở thành một “bảo tàng sống” của ký ức đô thị, nơi du khách trong và ngoài nước có thể cảm nhận lịch sử, văn hóa Thủ đô. Ở nhiều quốc gia, nhà ga cũ được “biến hóa” thành điểm tham quan nổi tiếng mà không đánh mất tính hiện đại trong giao thông.

Những chuyến tàu và ký ức đi cùng năm tháng vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong lòng người Hà Nội. Đó không chỉ là nơi để đi xa, mà còn là nơi lưu giữ tình cảm, gợi nhắc về một thời đã qua, một Hà Nội với những gì bình dị, sâu lắng và lặng lẽ bền bỉ. Trong hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội cần gìn giữ và trân trọng hơn nữa những ký ức gắn với những chuyến tàu, bởi ký ức chính là điểm tựa tinh thần cho mọi bước tiến hiện đại.

Nhật Minh

Tin liên quan