"Giải cứu" nông sản tràn lan trên đường phố, gây mất mỹ quan đô thị

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường Hà Nội xuất hiện những điểm bán hàng dưới danh nghĩa “giải cứu” nông sản, nhưng lại lấn chiếm lòng đường vỉa hè khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân bức xúc đặt câu hỏi: Giải cứu nông sản vậy ai sẽ giải cứu giao thông Hà Nội?

Đường phố thành chợ cóc

Những ngày qua, thông tin về hàng ngàn xe container hàng hóa nông sản còn ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc đã thu hút sự chú ý cả dư luận. Cùng thời điểm, trên nhiều tuyến đường phố chính của Hà Nội bắt đầu xuất hiện tràn lan các điểm bán hàng treo biển hiệu: Giải cứu Thanh long; Giải cứu nông sản….

Trên vỉa hè, dưới lòng đường hàng loạt trục giao thông có mật độ cao như: Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Đại Lộ Thăng Long, đường trục phía Nam, Giải Phóng… bỗng chốc trở thành điểm tập kết, mua bán nông sản với mác “giải cứu”. Điều đáng nói là những xe nông sản này, dừng đỗ rất tùy tiện kể cả khu vực có biển cấm, bất chấp gây cản trở, mất ATGT. Những chợ cóc này còn khiến khu vực trung tâm TP trở nên nhếch nhác, lôi thôi, mất mỹ quan đô thị.

 Một chiếc container cỡ lớn áng ngữ ngay dưới chân biển cấm trên đường Nguyễn Xiển để bán mít.

Sau khi những chiếc xe này rời đi, đường phố Hà Nội ngập tràn rác thải, hoa quả thối được vứt bỏ lăn lóc trên vỉa hè, lòng đường, bốc mùi hôi thối khiến nhiều người dân bức xúc.

Anh Nguyễn Cao Sơn trú tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ: “Nhiều tiểu thương bày bán mít, sầu riêng, dưa hấu, thanh long, khoai lang tràn lan vỉa hè, chắn hết lối người đi bộ trên đường Tố Hữu. Đường phố cứ chỗ nào phong quang thì bị chiếm dụng trưng biển “giải cứu”. Cả đoạn đường trở nên bừa bộn, thậm chí lộn xộn cảnh mua bán trông vô cùng nhếch nhác gây mất an toàn giao thông”.

Đáng nói, giá giải cứu và chất lượng hàng hóa của các điểm bán rong khó mà xác định được thực hư. Những người bán hàng cho biết, đây là hàng nông sản do khó khăn khi xuất khẩu nên được quay đầu với giá bán rẻ bằng một nửa giá thị trường. Việc buôn bán nông sản trên vỉa hè có nhiều thuận lợi, không mất tiền thuê cửa hàng, khách lại đông, nhất là giờ cao điểm đi làm về.

 Đường phố cứ chỗ nào phong quang thì bị chiếm dụng trưng biển “giải cứu”.

Vào vai người mua hàng, phóng viên đề nghị một số tiểu thương cho xem các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm dưới mác “giải cứu” nhưng đều bị từ chối.

Lãnh đạo UBND phường Trung Văn (Nam Từ Liêm), cho biết: “Thời gian gần đây, địa bàn xuất hiện một số điểm tập kết nông sản trên vỉa hè, lòng đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như mất mỹ quan đô thị. Chúng tôi đã giao Công an phường, tiến hành kiểm tra và xử lý quyết liệt, không để tình trạng này diễn ra”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND phường Kiến Hưng (Hà Đông) cho biết: “Đường trục phía Nam chạy qua địa bàn phường xuất hiện một số xe bán nông sản, UBND phường Kiến Hưng chỉ đạo Công an phường quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, những người bán hàng này lợi dụng lúc vắng mặt lực lượng chức năng lại tái vi phạm”.

Trong sáng ngày 5/1, Công an phường Kiến Hưng ra quân xử lý vi phạm tại tuyến đường trục phía Nam. 

Trong sáng ngày 5/1, Công an phường Kiến Hưng ra quân xử lý vi phạm tại tuyến đường trục phía Nam. Nhiều xe bán nông sản giải cứu trên vỉa hè, lòng đường được yêu cầu cam kết không tái phạm.

Không thể mượn cớ giải cứu

Việc “giải cứu” nông sản có thể góp phần giúp cho người nông dân tiêu thụ được một phần hàng hóa ế ẩm do không xuất khẩu được. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp lợi dụng chiêu bài này để bày bán tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Những mặt hàng giải cứu này được mọi người ủng hộ một cách nhiệt tình, thậm chí là đổ xô đi mua, tranh giành nhau. Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại Dương Nội (Hà Đông) chia sẻ: “Mít được bày bán đổ đống, cả trên xe ô tô tải với tấm biển đồng giá 10.000 đồng/kg, trong khi tại các siêu thị là hơn 30.000 đồng/kg nên tôi dừng xe lại mua. Có xe mới mở bán thì hàng vẫn còn chất lượng, nhưng cũng không ít xe bán hoa quả hỏng, thối nát”.

Hàng hóa giải cứu tràn lan khắp vỉa hè lòng đường Tố Hữu. 

Theo chị Nguyễn Thị Hương, việc dừng xe giữa đường cũng khá nguy hiểm, nhưng vì giá rẻ nên mua bán nhanh gọn rồi đi ngay.

Anh Lê Văn Hùng, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết: “Hàng ngày, tôi gặp rất nhiều điểm giải cứu nông sản bày bán tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường. Có không ít thương lái lợi dụng việc “giải cứu” để tiêu thụ những mặt hàng nông sản chất lượng thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người”.

Theo anh Lê Văn Hùng, không chỉ mặt hàng nông sản không có nguồn gốc rõ ràng, những điểm bán hàng này bày bán tràn lan dưới lòng đường khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

 Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội xuất hiện tình trạng tràn lan các mặt hàng giải cứu tình trạng này xảy ra thường xuyên thời gian qua.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội xuất hiện tình trạng tràn lan các mặt hàng giải cứu. Hầu như năm nào cũng thế, cứ vào mùa vụ là lại thấy các mặt hàng giải cứu bày bán tràn lan khắp đường phố do không thể xuất khẩu. Vấn đề này tồn tại và xuất hiện nhiều đến nỗi đã trở thành thói quen.

“Trước mắt, Chính quyền địa phương cần bố trí những điểm giải cứu tập trung, quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, không để các thương lái mượn cớ giải cứu, biến đường phố thành cái chợ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân”.

Lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường để kinh doanh, dù đó là hàng giải cứu hay bất cứ loại hình nào. Không thể nhân nhượng, biến đường phố Hà Nội thành những chợ cóc mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h