Học sinh tham gia giao thông vi phạm pháp luật: Nỗi lo cho người đi đường

TUẤN DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hiện tượng học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên đến trường diễn ra khá phổ biến. Bất chấp quy định pháp luật, nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chở quá người quy định... khi tham gia giao thông.

Hoc sinh tham gia giao thong vi pham phap luat: Noi lo cho nguoi di duong - Hinh anh 1
Nhiều học sinh khi đến trường trong tình trạng "đầu trần".

"Đầu trần, kẹp ba"

Giờ tan học tại nhiều trường THPT, THCS, bên cạnh các phương tiện có phần "quen mắt" như xe đạp, hay mới hơn là xe đạp điện, xe máy điện thì tình trạng điều khiển mô tô trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí "kẹp ba, kẹp bốn" trên đường dẫn tới nguy cơ cao tai nạn giao thông (TNGT), khiến nhiều người đi đường không khỏi giật mình.

Chị Nguyễn Phương Thảo (trú tại Trích Sài, quận Tây Hồ) cho biết, trên đường đi làm hàng ngày qua nút giao Nguyễn Văn Huyên - Tô Hiệu không thiếu những hình ảnh cô cậu còn mặc áo học sinh ngồi trên những chiếc xe máy điện cho đến các dòng xe trên 50cc như Wave, Airblade hay thậm chí có Liberty, Sh125... không đội mũ bảo hiểm đi trên đường.

"Tôi thấy rất nguy hiểm khi thấy những cô cậu học sinh này "phóng bạt mạng" trên đường. Thậm chí có nhiều nhóm bạn trẻ "kẹp ba" dàn hàng ngang, cười nói rất to, như vậy rất nguy hiểm và cản trở những người khác đang di chuyển" - chị Thảo nói.

Đã có không ít những vụ tại nạn giao thông xảy ra với trường hợp trẻ vị thành niên, học sinh điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đến trường. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, thế nhưng hiện nay, tình trạng trên vẫn đang diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Anh Vũ Hoàng (trú tại Hà Đông) cho biết, ở lứa tuổi còn trên ghế nhà trường, việc điều khiển xe máy hoàn toàn không phù hợp và không an toàn vì các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất nên chưa phù hợp với việc điều khiển phương tiện là xe gắn máy.

"Bên cạnh đó, vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp GPLX nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh và trẻ vị thành niên hầu như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường vi phạm luật giao thông" - anh Huy nhận định. 

Tăng tính răn đe, nên hay không?

Có thể thấy, nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con đã chấp nhận, thậm chí cho con em mình tự điều khiển xe máy, xe máy điện đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT. Thêm vào đó, một số em học sinh, nhất là học sinh nam khi tham gia giao thông thích "thể hiện", ra khỏi cổng trường là nằm ngoài sự quản lý, nên có tâm lý coi thường, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều,...

Hoc sinh tham gia giao thong vi pham phap luat: Noi lo cho nguoi di duong - Hinh anh 2
 Học sinh cần phải được học về sự thượng tôn pháp luật, giữ an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Theo Thạc sĩ Lê Sơn Tùng, mô tô, xe máy là phương tiện giao thông chiếm đa số tại Việt Nam, và việc học luật giao thông, điều khiển phương tiện này nhìn chung là dễ dàng hơn nhiều so với xe ô tô; đi cùng với đó là số vụ TNGT liên quan đến xe máy chiếm hơn 60% tổng số vụ tính trên toàn quốc.

Với tình trạng trên, hàng năm lực lượng chức năng phối hợp với ngành giáo dục để thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATGT, mức xử phạt vi phạm hành chính trong các buổi ngoại khoá, giáo dục công dân... nhằm tăng nhận thức, hiểu biết pháp luật của cho học sinh.

Cùng với đó, đối với hành vi không đủ tuổi điều khiển thì tiến hành tạm giữ phương tiện, gửi thông báo về nhà trường để cùng phối hợp với phụ huynh học sinh giải quyết nhằm nâng cao ý thức, nhận thức và hiểu biết pháp luật của phụ huynh, cũng như kết hợp xử lý nghiêm lỗi hành vi giao phương tiện để tạo tính răn đe trong việc xử lý vi phạm hành chính.

"Tuy nhiên việc học sinh chưa đủ tuổi vẫn điều khiển phương tiện nên xem xét việc tăng chế tài xử phạt với hành vi giao xe. Trong luật cũng đã có hình thức xử phạt vi phạm giao thông như phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với người chưa đủ tuổi đã điều khiển xe máy phân khối lớn. Nhưng mức phạt đó, nếu so với sự hậu thuẫn của cha mẹ thì như "muối bỏ biển"" - Thạc sĩ Lê Sơn Tùng chia sẻ.

Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ theo quy định và có giấy phép lái xe phù hợp. Cụ thể, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định độ tuổi của người lái xe như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.

Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).

Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).

Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).

 

Tin liên quan