Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông: Thuốc đắng chưa dã được tật

 
Chia sẻ

Kinhtedothi - Mặc dù đã có quy định rõ ràng với mức phạt cụ thể, song đến nay, tình trạng người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Su dung dien thoai khi tham gia giao thong: Thuoc dang chua da duoc tat  - Hinh anh 1
Lái xe sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Ảnh: Công Hùng

Hệ lụy từ xe công nghệ

 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng. Đối với xe máy, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm (cả ô tô và xe máy) còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu gây tai nạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phớt lờ các quy định, tình trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện vẫn diễn ra khá phổ biến và trở thành một trong những nguyên nhân gây mất ATGT tại Thủ đô.

Đặc biệt, với lợi thế minh bạch, giá cước hấp dẫn, khả năng gọi xe nhanh… trong những năm qua, xe công nghệ (đặt xe thông qua phần mềm) đã trở thành một trong những phương tiện được người dân ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, chính những lợi thế đó đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, người sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị TNGT cao nhiều gấp 4 lần so với người không sử dụng điện thoại. Theo lý giải của tổ chức này, não của người chỉ có thể xử lý tốt một việc vào một thời điểm nhất định. Việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động khiến người lái bị phân tán sự tập trung, dẫn đến không thể làm tốt nhiệm vụ lái xe. 

Nâng chế tài xử lý

 Trước tình trạng trên, giữa năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản đề nghị Ban ATGT TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện thoại di động khi điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Đặc biệt là đối với các lái xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với khách hàng.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh – Đội phó Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, mặc dù lực lượng CSGT vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với xe ô tô. Bởi, hiện tại, nhiều xe ô tô dán kính mờ, kính màu nên việc phát hiện và xử lý là không hề đơn giản.

Ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, sử dụng điện thoại khi lái xe là một hành vi vi phạm ATGT phổ biến hiện nay. Nếu không thực hiện ngay những giải pháp nhằm ngăn chặn triệt để thì tỷ lệ các vụ TNGT liên quan đến hành vi này sẽ tiếp tục tăng cao. Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên xem xét nâng chế tài xử lý đối với hành vi này.

“Nếu phát hiện hành vi vi phạm, ngoài việc xử phạt hành chính, lực lượng chức năng cần tước giấy phép lái xe chứ đừng để đến lúc xảy ra tai nạn mới làm. Bởi, nếu phải đợi khi tai nạn xảy ra mới tước bằng, lúc đó e rằng đã quá muộn” - một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chia sẻ.

Theo khảo sát sơ bộ của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đối với 927 sinh viên tại 7 trường đại học ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, có đến 79% sinh viên thừa nhận đã từng sử dụng điện thoại di động ít nhất một lần khi lái xe.

Vân Nhi/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h