|
Hai thanh niên phóng xe lạng lách gây mất ATGT còn thách thức công an. Ảnh: Tuấn Mark |
Trong đó, một bức ảnh ghi lại cảnh hai nam thanh niên đầu trần phóng xe với tốc độ “bàn thờ” rồi ngang nhiên vượt mặt, thách thức lực lượng công an đang chốt trực trên đường. Một trường hợp khác, nam thanh niên đội chiếc MBH Grab đang lưu thông giữa làn phương tiện dày đặc đột ngột bốc đầu xe, khiến mọi người xung quanh phải lắc đầu ngán ngẩm.
Trước đó, ngày 3/4, nhiều trang mạng xã hội cũng xôn xao clip ghi lại vụ tai nạn xảy ra trên một tuyến đường thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Theo đó, 3 nam thanh niên cùng ngồi trên chiếc xe Dream khi đi đến đoạn đường thưa thớt xe cộ đã bốc đầu cho xe di chuyển bằng một bánh.
Đi được quãng đường chưa đầy 100m, do không làm chủ được tay lái, người điều khiển cùng hai “chiến hữu” trên xe bất ngờ bị tụt xuống đường, bỏ mặc chiếc xe máy lao vun vút sang làn đường bên cạnh, đâm mạnh vào xe ô tô Porscher đi hướng ngược lại.
Hậu quả, vụ va chạm khiến chiếc xe máy rơi bánh trước, nằm gọn dưới cống thoát nước ven đường, còn chiếc ô tô thì nát nguyên phần đầu phía trước. Chứng kiến vụ việc, ai nấy đều phẫn nộ thay cho chủ xe ô tô, chỉ vì hành vi tham gia giao thông thiếu văn hóa của một bộ phận thanh, thiếu niên mà tài sản tiền tỷ bị “tai bay vạ gió”.
Thậm chí, tương tác trên các diễn đàn, nhiều người còn bày tỏ sự lo lắng khi tham gia giao thông mùa dịch Covid-19, mức độ nguy hiểm còn tăng lên gấp bội khi không ít thanh niên lợi dụng lúc đường thông hè thoáng, ra sức vặn ga, đánh võng để thể hiện “bản lĩnh”.
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định không chỉ gây mất ATGT, đe dọa đến tính mạng người đi đường mà nếu không được xử lý kịp thời, vi phạm sẽ tái diễn và ngày càng lan rộng trong một bộ phận giới trẻ, tạo ra sự bất an trong xã hội.
Luật sư Cường cho biết, theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB, các hành vi vi phạm của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) như: Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh... có thể bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng, tịch thu phương tiện. “Mức phạt sẽ nặng hơn nếu người vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không đội MBH cho mình và người ngồi trên xe, chở quá số người quy định”, luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp người vi phạm lạng lách, đánh võng gây thiệt hại tài sản của người khác, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định rõ nếu mức độ thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Bên cạnh đó, người điều khiển xe sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật.