Chuyện ở nơi tối ra đường là mặc áo phản quang chống tai nạn

 
Chia sẻ

Trước thực trạng TNGT gia tăng ở các khu dân cư ven QL1, nhất là vào ban đêm, Phòng CSGT Quảng Bình đã xây dựng mô hình “sáng phản quang, tan tai nạn”.

Chuyen o noi toi ra duong la mac ao phan quang chong tai nan - Hinh anh 1
Việc mặc áo phản quang, dán decanphản quang vào phương tiện giúp các lái xe hình dung được hình khối của phương tiện khác để chủ động trong các tình huống

Trăn trở vì tai nạn tăng cao trên QL1

Từ giữa tháng 10 tới nay, áo phản quang đã trở thành vật không thể thiếu đối với ông Nguyễn Văn Thanh (50 tuổi, thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) mỗi khi rời nhà vào buổi tối. Ông Thanh cho biết: Trước đây, tôi rất sợ phải đi trên QL1 vào buổi tối. Đường chưa có điện chiếu sáng, lại đông xe rất nguy hiểm, đặc biệt là với những người đi bộ, đi xe đạp. Từ ngày có áo phản quang, mọi người nhìn thấy nhau từ xa, rất dễ tránh né, nhường nhịn.

Áo của ông Thanh là 1 trong số 100 chiếc áo phản quang mà Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình trao tặng cho người dân ở xã Hồng Thủy trong lần đầu triển khai mô hình. Thượng tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Phân tích nguyên nhân TNGT, chúng tôi thấy rằng, TNGT xảy ra nhiều và thường xuyên nhất vẫn là trên tuyến QL1, trong đó đa phần xảy ra vào đêm tối. Nạn nhân của các vụ TNGT thường là người địa phương; người đi xe máy, xe thô sơ.

Riêng QL1 đoạn qua địa bàn huyện Lệ Thủy tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp hơn. 9 tháng đầu năm, Lệ Thủy là huyện có số người chết vì TNGT tăng cao nhất tỉnh. Khi phân tích nguyên nhân TNGT trên QL1 qua huyện Lệ Thủy thấy rằng, TNGT xảy ra là do đường hẹp, có tuyến tránh nhưng xe tải trọng lớn vẫn đi vào đường cũ; nhiều nơi qua khu dân cư đông đúc mà không có đèn đường; nhiều đoạn không có đường gom song song QL1 để nối giữa các thôn xóm nên vô hình trung biến quốc lộ thành đường gom nối các thôn xóm.

“Khi đi công tác ở các địa phương, tôi để ý thấy công nhân đi làm đêm, tan ca từ các khu công nghiệp ra, dù đi xe đạp hay xe máy đều mặc áo phản quang. Việc làm này rất tốt, rất hiệu quả mà ít tốn kém. Đặc biệt ở những nơi không có đèn chiếu sáng, ta có thể dùng nó để tranh thủ nguồn sáng xe cơ giới, tạo điểm nhìn, giúp các lái xe dễ quan sát, phòng tránh từ xa. Tôi trình bày ý tưởng với đồng đội trong phòng, bạn bè và lập tức nhận được sự ủng hộ”, Thượng tá Tú cho hay.

Hiệu quả không ngờ từ áo phản quang

Ngày 19/10, mô hình “sáng phản quang, tan tai nạn” được triển khai lần đầu tiên ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy ngay lập tức đã thu hút người dân địa phương. “Ban đầu, người dân đến chỉ là để nhận áo, song sau đó họ được tuyên truyền, giải thích ý nghĩa của việc mặc áo phản quang và cách tham gia giao thông an toàn mọi người đều tỏ ra vô cùng hào hứng. Họ coi đó như một vật trang trí trên xe và nhiệt tình sử dụng hết”, Đại úy Hoàng Thị Lan Hương, cán bộ tuyên truyền Phòng CSGT Quảng Bình cho biết.

Do triển khai lần đầu tiên bằng nguồn kinh phí đóng góp của các cán bộ chiến sĩ Phòng CSGT Đường bộ Quảng Bình, cộng với sự hỗ trợ từ bạn bè nên Phòng mới chỉ kêu gọi, cấp phát được 100 áo phản quang và các miếng decan 3D cho người dân ở xã Hồng Thủy. “Chúng tôi hi vọng sau khi mô hình này được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực, sẽ có nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ phát triển mô hình”, Đại úy Hương bày tỏ.

Ông Trần Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết: Đây là một mô hình rất tốt, được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình. Từ khi triển khai đến nay, trên địa bàn không còn xảy ra TNGT. Nhận thấy lợi ích của áo phản quang, một số hộ dân đã tự bỏ kinh phí mua áo, miếng dán phản quang, để mặc hoặc dán lên xe của người thân. Hiện xã đang tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình này đến tất cả các thôn xóm.

Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Cương cũng khẳng định: Mô hình “Sáng phản quang, tan tai nạn” của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình là một sáng kiến hiệu quả, cần nhân rộng ra toàn tỉnh. Trước mắt, để có kinh phí phát triển mô hình, ban sẽ phối hợp cùng các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức đứng ra tài trợ tiền mua áo phản quang để cấp phát cho người dân sinh sống dọc QL1. Về lâu dài sẽ báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban ATGT Quốc gia bố trí kinh phí nhân rộng mô hình.

"Tôi mong rằng mô hình này sẽ phát triển rộng khắp. Tất cả mọi người cùng tham gia, nhất là những người hay phải đi làm vào buổi tối. Từ đó,biến việc mặc áo phản quang khi ra đường vào buổi tối thành thói quen hàng ngày để đảm bảo ATGT, giống như việc người đi xe máy đội MBH vậy”.

Thượng tá Tú nhấn mạnh

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan