Theo đó, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 08/KH-SGTVT ngày 27/02/2022 của Sở GTVT về đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2022, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe khách, bến tàu khách, bến phà kiểm tra các bến đảm bảo đi lại an toàn, thuận tiện. Chỉnh trang sạch đẹp tại các vị trí khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe, sắp xếp các vị trí cung cấp thông tin để hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi; phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, chống đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để kiểm tra giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định trong vận chuyển hàng hóa và hành khách; ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan dịch bệnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong khu vực thuộc phạm vi quản lý.
|
Ảnh minh họa |
Đối với các đơn vị vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội địa, các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19, bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện, bố trí lái tàu, lái xe, nhân viên phục vụ để đáp ứng kịp thời khi nhu cầu phát sinh tăng cao, đảm bảo giải tỏa hành khách và giảm thiểu ùn tắc giao thông; kiểm tra các điều kiện về an toàn vận tải đảm bảo phục vụ hành khách thuận lợi an toàn.
Chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, đảm bảo năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và người lái phương tiện trước khi xuất bến; nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn, niêm yết các thông tin theo quy định (biển kiểm soát của phương tiện, số điện thoại đường dây nóng...).
Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi. Không thực hiện vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh lây lan dịch bệnh; vận chuyển gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch y tế, hàng cấm trên phương tiện vận tải hành khách.
Nghiêm cấm chở quá tải trọng cho phép; sử dụng đồ uống có cồn và chất gây nghiện khi điều khiển phương tiện dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định.
Giám sát chặt chẽ hoạt động của người lái và phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm về tốc độ và thời gian làm việc, tinh thần, thái độ đối với hành khách.
Tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho người lái về việc: không được uống rượu bia trước và trong khi làm việc, chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa, có tinh thần, thái độ chu đáo, lịch sự, văn minh đối với hành khách.
Niêm yết nội quy đi tàu, xe và đường dây nóng tại vị trí dễ thấy trên phương tiện; kiểm soát chặt chẽ việc phát hành vé, không tăng giá vé sai quy định. Bố trí phương tiện đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; người điều khiển phương tiện có đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Các đơn vị vận tải khách đường thủy nội địa, Công ty cổ phần Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng: Kiểm tra, rà soát, bổ sung cấc phương tiện phao, dụng cụ nổi cứu sinh; chuẩn bị sẵn sàng phương án cứu nạn, cứu hộ; phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi chạy trên luồng hàng hải; luôn bật thiết bị định vị, nhận dạng và thông tin liên lạc giúp phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; hạn chế hoặc ngừng hoạt động của phương tiện khi có thời tiết xấu, sóng lớn hoặc sương mù dày đặc.
Các phòng, ban, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vận tải.