Một tuần giãn cách xã hội: Các chốt kiểm soát giao thông phát huy hiệu quả mạnh mẽ

VŨ KHOA - PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau một tuần thực hiện giãn cách xã hội, 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô cùng hàng trăm chốt trên các tuyến đường phố nội bộ đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ, góp phần tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần được điều chỉnh cả trong công tác kiểm soát lẫn ý thức chấp hành của người dân.

Dốc toàn lực bảo vệ Thủ đô

Nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chính phủ và UBND TP Hà Nội, góp phần tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội đã lập “phòng tuyến” ngoại vi với 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Thủ đô.
Thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hàng chục ngàn lượt phương tiện không thuộc diện được lưu thông vào TP đã được yêu cầu quay lại, nghiêm túc chấp hành chủ trương giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, hàng nghìn lượt phương tiện được cấp nhận diện “luồng xanh” đã lưu thông thuận lợi qua chốt, đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, thuốc men cho Hà Nội. Các chốt kiểm soát cũng đã phát hiện nhiều trường hợp nghi nhiễm, có biện pháp cách ly, ngăn chặn, rà soát kịp thời.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã tung hết lực lượng, làm việc cật lực suốt ngày đêm, cấp mã nhận diện luồng xanh cho trên 16.000 phương tiện, 14.000 nhân viên giao hàng trong nội bộ TP, duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu trong những ngày giãn cách xã hội.

Mot tuan gian cach xa hoi: Cac chot kiem soat giao thong phat huy hieu qua manh me - Hinh anh 1
  Hàng chục ngàn lượt phương tiện không thuộc diện được lưu thông vào TP đã được yêu cầu quay lại, nghiêm túc chấp hành chủ trương giãn cách xã hội.

Cùng với đó, hàng trăm chốt trực trên các tuyến đường phố từ nội đô đến ngoại thành Hà Nội cũng đã bắt nhịp, ráo riết kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt người tham gia giao thông không có lý do chính đáng. Theo thống kê, trong tuần qua đã có hàng nghìn trường hợp bị xử phạt hoặc nhắc nhở, buộc quay về nhà. Riêng trong ngày 31/7 đã có tới gần 600 người bị xử phạt vì lý do này.
Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, Trung tá Ngô Đình Thức - Phó trưởng Công an phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng công an phường, phối hợp với các ban ngành để quản lý, giám sát thực hiện giãn cách xã hội; kiểm soát chặt chẽ tình hình, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng thời lập biên bản xử phạt những trường hợp ra ngoài không có nhu cầu thiết yếu”.
Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố số 42, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai Trần Văn Bính nói: “Việc siết chặt giãn cách xã hội trong thời điểm này có ý nghĩ sống còn đối với cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa, chấp hành tốt các quy định về giãn cách, vừa để bảo vệ bản thân, vừa vì cả cộng đồng. Với những trường hợp cố tình vi phạm, các chốt kiểm soát nên xử phạt thật nghiêm”.

Mot tuan gian cach xa hoi: Cac chot kiem soat giao thong phat huy hieu qua manh me - Hinh anh 2
  Hàng trăm chốt trực trên các tuyến đường phố từ nội đô đến ngoại thành Hà Nội cũng đã bắt nhịp, ráo riết kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt người tham gia giao thông không có lý do chính đáng.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua là rất lớn, nhưng lượng người đi lại vì những nhu cầu chưa thực sự thiết yếu cũng không nhỏ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Nhanh chóng điều chỉnh

Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn không ít bất cập trong việc kiểm soát giao thông giữa những ngày Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17, giãn cách xã hội.
Ví dụ như việc người dân có nhu cầu vận tải hàng hóa, cung ứng những nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất nhiều khi còn bối rối vì chưa được hướng dẫn cụ thể. Đơn cử như huyện Đan Phượng, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn cho rằng chỉ các xe hoạt động liên tỉnh mới cần đăng ký luồng xanh bởi việc cào bằng với tất cả phương tiện sẽ tạo ra vô số bất cập.
Một chủ cơ sở kinh doanh lương thực (xin giấu tên) tại Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, cho biết, khi biết về yêu cầu phải có đăng ký mới được vận chuyển hàng hóa, anh này đã liên hệ với UBND Thị trấn để được hướng dẫn. Theo đó, hồ sơ đăng ký phải đi qua UBND Thị trấn, đến UBND huyện rồi các sở trực thuộc TP.
Bên cạnh lo ngại việc đăng ký sẽ chậm trễ, gây thiệt hại lớn về kinh tế với cả đơn vị cung ứng lẫn các DN đang chăn nuôi, sản xuất, chủ phương tiện cũng mơ hồ không hiểu xe sẽ được sắp xếp chạy theo diện lưu thông nào.
Với những phương tiện chỉ đi lại quãng đường ngắn trong phạm vị một quận, huyện, dôi dư mỗi chuyến chỉ ở mức vài chục đến 100 nghìn đồng. Nếu thực hiện đăng ký hoạt động theo luồng xanh vận tải, phải trả khoảng 300 nghìn đồng cho 1 giấy xét nghiệm Covid-19 có thời hạn trong 72 giờ, như vậy chi phí còn cao hơn tiền cước xe, do đó, không ít chủ phương tiện đành dừng hoạt động dù các nhu cầu về hàng hóa vẫn đang rất cao.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng cho biết, đơn vị chỉ đang thực hiện theo chỉ đạo của TP, các sở, ngành yêu cầu về địa phương. Điều đó cho thấy, sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong thực hiện Chỉ thị 17 cần được điều chỉnh ngay từ các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Mặt khác, tại nhiều điểm chốt nội bộ trên các tuyến đường phố Hà Nội, lực lượng chức năng còn chậm triển khai một cách nghiêm túc. Không ít chốt được dựng lên rồi bỏ đó, rào chắn, biển báo được đặt giữa đường nhưng không có lực lượng phân luồng, kiểm tra. Vô tình những rào chắn này lại trở thành mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Mot tuan gian cach xa hoi: Cac chot kiem soat giao thong phat huy hieu qua manh me - Hinh anh 3
Không ít chốt được dựng lên rồi bỏ đó, rào chắn, biển báo được đặt giữa đường khi không có lực lượng phân luồng, kiểm tra.

Một điều đáng lo ngại là nhiều DN, cơ quan còn cấp giấy xác nhận vô tội vạ cho nhân viên để chống chế lực lượng chức năng khi ra đường với mục đích không chính đáng. Hàng ngàn tờ giấy đi đường xuất hiện tại mọi điểm kiểm soát dịch, được các công ty, đơn vị đóng dấu, tạo điều kiện cho nhân viên lưu thông với lý do phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh được xuất trình, muôn hình vạn trạng, không mẫu nào giống mẫu nào.
Có thời điểm, do số lượng lớn người và phương tiện dồn tại một điểm, tình trạng ùn tắc cục bộ diễn ra nên lực lượng chức năng kiểm soát tại nhiều chốt chỉ thực hiện kiểm tra rút gọn rồi sớm giải tỏa giao thông. Đáng nói, có những công ty cấp giấy xác nhận cho cả nhân viên học việc, hay để trống thông tin mặc dù nội dung nêu lý do là “Do yêu cầu giải quyết công việc cấp bách”.
Mới đây Hà Nội đã ban hành mẫu chung cho Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, mẫu chung này vẫn do các đơn vị tự xác nhận, tự cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng mẫu chung mà đơn vị cấp không được giám sát chặt chẽ sẽ khó mang lại hiệu quả thiết thực trong phòng, chống dịch.

Tin liên quan