An toàn giao thông đường bộ đang là một vấn đề y tế cộng đồng bởi tai nạn giao thông hiện đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người thuộc mọi lứa tuổi; đứng thứ nhất trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em và thanh niên từ 5-29 tuổi. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở các nước thu nhập thấp cao gấp 3 lần so với ở các nước có thu nhập cao và có tới hơn một nửa số nạn nhân do tai nạn giao thông là nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông.
Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hậu quả của tai nạn giao thông để lại rất lớn cho con người và xã hội. Việc gia tăng phương tiện cá nhân gây nên vấn đề ùn tắc giao thông đang được rất là quan tâm nhất là ở một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
|
Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu tại hội thảo. |
Tuy nhiên, đến nay các địa phương chưa có các giải pháp căn cơ giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc mà chỉ mang tính chất tương đối hoặc tạm thời. Do lượng phương tiện tăng nhanh, vấn đề phơi nhiễm của người tham gia giao thông cũng đang được xã hội quan tâm, nhiều chất độc do phương tiện thải ra đòi hỏi cần có lộ trình kiểm soát. Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, việc thường xuyên rà soát, thay đổi và bổ sung quy định, luật pháp sao cho phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết đối với việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông. Với mỗi giải pháp nâng cao an toàn giao thông hiệu quả, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, kinh tế - xã hội sẽ có những bước phát triển.
“Truyền thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện hiệu quả các kế hoạch và giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhiều địa phương vào cuộc quyết liệt tình hình tai nạn giao thông cải thiện rất tốt và ngược lại với các địa phương không quyết liệt, tình hình tai nạn giao thông diễn ra rất phức tạp” – ông Trần Hữu Minh nhận định.
Tiến sĩ Tom Carroll, đại diện tổ chức Vital Strategies cho rằng, Việt Nam đã có những đột biến về cải thiện tình hình an toàn giao thông, đặc biệt là hiệu quả từ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Sự hiệu quả của chính sách phụ thuộc không nhỏ vào việc phối hợp, truyền thông của các đơn vị lực lượng chức năng, báo chí, chính quyền… từ đó giúp người tham gia giao thông có những nhìn nhận nghiêm túc về an toàn giao thông.
|
Chia sẻ của Tiến sĩ Tom Carroll về chiến lược truyền thông hướng tới an toàn giao thông ở Việt Nam. |
Theo Tiến sĩ Tiến sĩ Tom Carroll Ở Việt Nam, tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra bởi nguyên nhân như sử dụng rượu bia khi lái xe, vượt quá tốc độ khi điều khiển phương tiện, không chấp hành biển báo giao thông,… đây đều là những nguyên nhân chủ quan, với các chiến dịch truyền thông được thực hiện hiệu quả, qua thời gian sẽ làm thay đổi những thói quen, hành vi xấu của người tham gia giao thông.
Để giảm tỷ lệ tử vong và thương tật do tai nạn giao thông, theo “Sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì An toàn giao thông đường bộ toàn cầu” (đang triển khai tại 15 quốc gia và 30 thành phố, trong đó có Hà Nội), cần phải củng cố chính sách về pháp luật về an toàn giao thông; giảm bớt những hành vi mất an toàn giao thông; cải thiện hạ tầng để đường phố an toàn hơn; củng cố hệ thống giám sát; vận động cải thiện các tiêu chuẩn về an toàn phương tiện. Các chiến dịch truyền thông được thiết kế tốt, thực hiện tốt có thể thay đổi những hành vi nguy cơ của người tham gia giao thông. Đặc biệt, khi kết hợp hiệu quả với việc thực hành tốt, qua thời gian sẽ góp phần thay đổi các chuẩn mực xã hội.