Có dấu hiệu gia tăng
Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) thông tin, trong năm 2022, đối với vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã xử lý 17.216 trường hợp. Đáng chú ý, số lượng người bị xử phạt tăng 8.802 trường hợp, tương ứng 194,61% so với năm 2021. Trong quá trình xử lý vi phạm, xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm ở mức độ kịch khung.
Có những trường hợp ghi nhận mức vi phạm lên đến 1,58mlg/lít khí thở, tức gấp gần 4 lần mức kịch khung là 0,4mlg/lít khí thở, cao nhất trên toàn quốc đến thời điểm này. Chỉ tính riêng trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023 vừa qua, cả nước đã phát hiện gần 5.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn, trong đó lực lượng CSGT TP Hà Nội xử lý 244 trường hợp.
|
Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh Hữu Thắng |
Trong thời gian qua, hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến tài xế có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã xảy ra làm thương vong nhiều người. Có những vụ tai nạn giao thông mà người gây ra tai nạn say rượu đến mức không đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn. Một số đối tượng còn quá khích, chống đối thậm chí tấn công, gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ… Trước những con số đáng báo động nêu trên, khiến nhiều người lo ngại về tình trạng mất an toàn giao thông, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến gần.
Ông Lê Thanh Hà, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Dịp cuối năm, những quán bia, quán nhậu xung quanh nhà tôi luôn chật kín khách. Nhiều người điều khiển xe ra khỏi quán mặt đỏ tưng bừng, lái xe loạng choạng. Có trường hợp vừa ra khỏi quán nhậu thì xảy ra va chạm, rất may không thiệt hại về người nhưng chiếc ô tô xịn thì hư hỏng nặng”.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã có những động thái quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng tài xế vi phạm về nồng độ cồn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây ký công văn yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương phải nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật GTĐB, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia…; thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị vi phạm…
Ý thức còn kém
Quy định của pháp luật: Tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu khi lái xe, mức phạt đến vài chục triệu đồng, tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng đã được áp dụng. Có thể nói, quy định đã rất nghiêm khắc nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn chưa chấp hành nghiêm, thậm chí phớt lờ những những cảnh báo hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị xử lý vi phạm.
Đại diện chỉ huy đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Xác định, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến rượu bia, nồng độ cồn vào các khung giờ, các tuyến đường, loại phương tiện chính là góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Hàng ngày, chúng tôi bố trí 2 tổ công tác thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn. Vị trí cắm chốt kiểm tra được thay đổi liên tục”.
Theo vị đại diện này, không ít trường hợp tài xế bị xử phạt đến vài chục triệu đồng, nhất là vào dịp cuối năm. Việc xử phạt, tuyên truyền đến những tài xế vi phạm nồng độ cồn cũng gặp không ít khó khăn khi họ không còn được tỉnh táo.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuần tra kiểm soát hàng ngày, hàng giờ, tập trung theo chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng sẽ chú trọng thời điểm vào các buổi tối, ngày nghỉ, lễ, Tết. Khi kiểm tra, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định thì kiên quyết đình chỉ phương tiện không cho lưu hành, lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện và xử phạt” - đại diện đội CSGT số 6 thông tin thêm.
Chủ DN vận tải phải có trách nhiệm tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết lái xe an toàn là không sử dụng rượu bia. Trong gia đình tuyên truyền đến người thân. Lực lượng chức năng cần xử nghiêm, phạt nặng để tạo tính răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
TS xã hội học Nguyễn Văn Dương