Dự án ế ẩm
Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ - UBND ngày 8/4/2022 của UBND thành phố, Thủ đô sẽ có 1.620 bãi đỗ xe công cộng, trong đó có 73 bãi ngầm.
|
Bãi đỗ xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan |
Nhưng theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố mới đang triển khai đầu tư 96 dự án bãi đỗ xe. Trong đó 18 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, 12 dự án đã có chủ trương/quyết định chấm dứt đầu tư, 66 dự án đang triển khai đầu tư.
Số bãi đỗ đã và đang đầu tư chỉ tương đương với khoảng 5% mục tiêu đề ra; đặc biệt có khoảng hơn 1% số bãi đỗ đã hoàn thành xây dựng. Trong khi đó Hà Nội đã có hơn 7,6 triệu phương tiện, tốc độ gia tăng hàng năm từ 4 - 5%.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, phần lớn các dự án đầu tư bãi đỗ xe công cộng triển khai chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: vướng mắc trong GPMB, tạm dừng để được rà soát theo quy hoạch, theo quy định mới; rà soát nguồn sốc, đất đai, vi phạm xây dựng, PCCC, nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước...
Hàng năm, UBND thành phố Hà Nội đều triển khai các Hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhà đầư tư đối với các dự án có sử dụng đất, trong đó bao gồm cả các dự án đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe.
Tuy nhiên do vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút nên kết quả kêu gọi đầu tư rất hạn chế. Ngoài ra kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án bãi đỗ xe công cộng khá lớn, thời gian và khả năng thu hồi vốn khó khả thi khiến DN chưa mặn mà.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, có thể thấy dự án bãi đỗ xe cộng cộng, đặc biệt những bãi ngầm, cao tầng là một trong những sản phẩm kém hấp dẫn, ế ẩm nhất của Hà Nội.
“Nguyên nhân rất rõ ràng, các nhà đầu tư đặt bài tính đơn giản nhất, lấy giá trông giữ xe, phần đất dịch vụ được khai thác, nhân với số năm được giao, trừ đi tổng mức đầu tư ban đâu. Kết quả lỗ hoặc lợi nhuận không đáng kể. Vì thế nên không ai muốn làm” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Thực vậy, để đầu tư một dự án bãi đỗ xe công cộng cần nguồn vốn không hề nhỏ, nhất là bãi ngầm và cao tầng, có khi lên đến cả nghìn tỷ đồng. Một nhà đầu tư (xin giấu tên) chia sẻ: “Với một bãi đỗ mặt đất có khi làm vài chục năm mới thu hồi vốn, bãi ngầm thì lâu gấp đôi, gấp ba. Thu hồi vốn đã khó chứ chưa nói đến lợi nhuận”.
Cần nhìn nhận lại
Nhu cầu đỗ gửi xe tại Hà Nội là vô cùng lớn, đặc biệt trong các quận nội thành. Hiện thành phố mới kiểm soát, quản lý được khoảng 10% lưu lượng; còn lại 90% là đỗ xe bừa bãi hoặc gửi vào bãi lậu, nguồn lợi chảy vào túi cá nhân.
Đã đến lúc phải có cách nhìn nhận lại về các dự án bãi đỗ xe công cộng, từ đó tìm ra giải pháp thúc đẩy lĩnh vực đầu tư này, vừa để phục vụ Nhân dân, giữ gìn trật tự đô thị, vừa kiểm soát được nguồn lợi để tái đầu tư cho hạ tầng.
Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân đã nêu ra câu hỏi: Bãi đỗ xe công cộng được xem là bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) hay công trình dịch vụ thương mại (?).
Đây cũng chính là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu xem bãi đỗ xe công cộng là KCHTGT thì tính thương mại đương nhiên sẽ bị hạn chế. Giá trông giữ xe bị khống chế, tỷ lệ đất dịch vụ thấp.
Còn nếu xem là công trình dịch vụ thương mại, hệ số sử dụng đất sẽ được xem xét tăng lên, giá phí trông giữ xe cũng có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế, giúp nhà đầu tư có bài toán kinh doanh khả thi hơn, hấp dẫn hơn.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, việc thay đổi cách nhìn với các dự án bãi đô xe công cộng là vô cùng cần thiết.
“Tuy nó là hạ tầng phục vụ giao thông, nhưng bản chất là nơi cung cấp dịch vụ trông giữ xe cho khách hàng. Nó hỗ trợ cho giao thông, đồng thời cũng là ngành nghề kinh doanh thương mại” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Nhiều đô thị trên thế giới đã cho phép hoạt động trông giữ xe với giá cao từ rất lâu. Tại một số khu vực trung tâm của Tokyo (Nhật Bản), giá trông giữ xe lên đến 10 USD/nửa giờ, cao gấp 10 lần Hà Nội.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cũng cho rằng, giá trông giữ xe tại Hà Nội đã được ban hành từ năm 2017, khá lạc hậu. Nhân dân mong muốn giá trông giữ xe phải được Nhà nước quản lý, cao quá thì không có điều kiện để nộp. Nhưng ngược lại giá thấp quá lại không đủ điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn.
Nhiều chuyên gia nhận định, trước hết Hà Nội cần định dạng được các dự án bãi đỗ xe công cộng, tiếp cận nó như một công trình dịch vụ thương mại, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư tháo gỡ về cơ chế, chính sách mới hấp dẫn được nhà đầu tư.