|
Ảnh minh họa: Báo Giao thông |
PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất mới nhất của Bộ GTVT liên quan đến Dự thảo Nghị định thay thế nghị định 86 trong đó không bắt buộc gắn hộp đèn (“mào”) trên nóc xe taxi?
Ông Nguyễn Công Hùng: Taxi là loại hình hoạt động cố định nhiều năm nay. Bản chất hộp đèn là để người dân dễ nhận diện, vẫy xe và tạo điều kiện quản lý với cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, trên thế giới, người ta có xu hướng đưa hết xe taxi vào một nhận diện chung là hộp đèn, chứ không phân loại.
Bây giờ quy định bỏ hộp đèn, tôi khẳng định là các doanh nghiệp taxi họ sẽ bỏ ngay. Vì họ sẽ lập tức chuyển sang xe hợp đồng điện tử, họ cũng đang ứng dụng khoa học công nghệ hết rồi, để hưởng những quyền lợi như xe hợp đồng điện tử.
Chúng tôi e ngại sẽ có một sự hỗn loạn với thị trường xe hợp đồng điện tử. Nếu quy định ban hành mà giữ nguyên như vậy, thời gian sẽ trả lời.
PV: Liệu đây có thể coi là một quy định nới lỏng điều kiện hoạt động với taxi truyền thống?
Ông Nguyễn Công Hùng: Tôi chưa thấy có sự nới lỏng nào ở đây với taxi truyền thống và siết chặt với xe hợp đồng điện tử (taxi công nghệ) cả. Sở dĩ trước đây, các thành viên hiệp hội muốn xin chuyển sang mô hình taxi công nghệ là vì taxi truyền thống đang gánh trên vai tới 14 điều kiện kinh doanh, giờ bỏ việc gắn hộp đèn thì lại đi trái xu hướng thế giới.
Trong khi đó, xe hợp đồng điện tử không chịu ràng buộc. Ví dụ 1 năm taxi đi kiểm định taximet 1 lần, còn taxi công nghệ không phải làm, tăng giảm giá cước vô tội vạ, không ai quản lý. Họ không phải đăng kiểm xe cơ giới 6 tháng/lần, không phải đăng ký kê khai giá cước…
PV: Nhưng trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã quy định các công ty công nghệ nếu trực tiếp thực hiện các công đoạn như “điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước…” được xem là doanh nghiệp vận tải?
Ông Nguyễn Công Hùng: Xe kinh doanh hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ không nằm trong Luật giao thông đường bộ. Chính vì vậy, Chính phủ mới ra đời Quyết định 24 để thí điểm. Sau 4 năm vẫn chưa có tổng kết, đánh giá. Hệ lụy nhìn thấy rồi.
Ở đây, có vấn đề về nhận diện, tại sao phải trốn tránh? Từ nhận diện mới sinh ra các điều kiện để quản lý. Còn hiện nay, chúng ta không bàn cãi việc các công ty này là kinh doanh vận tải hay không, vì họ thực hiện đầy đủ các công đoạn của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thậm chí còn sâu hơn.
Đặc điểm của họ là mang tiền ra để hủy diệt các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành để độc quyền. Tôi khẳng định, các doanh nghiệp taxi truyền thống không thua về giải pháp công nghệ, chất lượng phương tiện, chất lượng lái xe, mà thua về đồng tiền.
PV: Vậy trước đề xuất mới của Bộ GTVT, Hiệp hội taxi Hà Nội có kiến nghị bổ sung nào?
Ông Nguyễn Công Hùng: Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần. Chỉ xin lưu ý, hiện nay chúng ta vẫn cấm hộ kinh doanh cá thể kinh doanh taxi viện dẫn từ Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, xe hợp đồng điện tử bản chất hoạt động tương đồng như taxi, tại sao lại được xây dựng một Nghị định riêng vì nó.
Nếu chúng ta muốn công bằng, thì tại sao Bộ GTVT không trình Chính phủ về mở cho hộ kinh doanh cá thể tham gia taxi? Có những người đang chạy Grab bị thu chiết khấu lên tới 28% để họ tự do tham gia taxi truyền thống, không bị ảnh hưởng cuộc sống?
Một điểm nữa, Thủ tướng đã chỉ đạo trong Nghị quyết 12 giao Bộ Công an phân định biển số xe kinh doanh vận tải để phân biệt với xe cá nhân, xe công. Trong chỉ đạo, nhận diện với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ là biển, bảng, cỡ chữ, phù hiệu tăng kích cỡ.
Tại sao chúng ta không phân biệt rõ bằng biển số màu vàng, phù hiệu, tem ghi rõ XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ để phân biệt với xe kinh doanh khác. Tôi vẫn thấy có sự mập mờ trong các quy định và chúng tôi rất bức xúc.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ với VOVGT.