Cách nào đối phó với nạn buôn lậu qua đường hàng không?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nạn buôn lậu qua đường hàng không chưa bao giờ hết nóng trong nhiều năm qua. Đặc biệt, vào những kỳ nghỉ lễ, Tết khi tần suất các chuyến bay tăng mạnh.

Cach nao doi pho voi nan buon lau qua duong hang khong? - Hinh anh 1
Vấn nạn buôn lậu qua đường hàng không chưa bao giờ hết nóng. Ảnh minh hoạ 

Tiếp viên hàng không cũng buôn lậu

Đầu tháng 4/2021, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin một nam tiếp viên hàng không bị bắt vì hành vi buôn lậu với giá trị tài sản lô hàng lậu lên tới hàng tỉ đồng. Nam tiếp viên này là Nguyễn Hải Sơn (SN 1987, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội).

Theo tài liệu của cơ quan Công an, Sơn là tiếp viên hàng không, đã đặt mua xì gà các nhãn hiệu như: Cohiba, Romeo & Julieta... từ đầu nậu chuyên gom hàng ở các nước châu Âu và đầu nậu tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi nhận hàng, Sơn chia nhỏ và cất giấu tại nhiều địa điểm ở Hà Nội rồi thuê người giao cho khách hàng.

Khoảng giữa năm 2020, Sơn đã 4 lần mua xì gà các loại từ một người quen qua Facebook, với tổng giá trị 2 tỉ đồng. Đầu năm 2021, Sơn mua xì gà từ L.H.S., (SN 1975, trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội) 3 lần, với tổng giá trị 300 triệu đồng, sau đó, bán trên mạng. Khi có người mua, Sơn gọi người giao cho khách và ăn lãi mỗi hộp 300.000 - 500.000 đồng.

Tiến hành khám xét nơi ở của Nguyễn Hải Sơn, thu giữ 9.501 điếu xì gà các loại, trọng lượng 64,5kg và thu thêm 500 điếu xì gà của 2 người có liên quan. Toàn bộ số xì gà này đều không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, trị giá ước tính khoảng 2 tỉ đồng.

Từ những chứng cứ trên, cơ quan Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Hải Sơn để làm rõ hành vi buôn bán hàng cấm, quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây không phải lần đầu tiên một tiếp viên hàng không bị phát hiện có hành vi buôn lậu. Trước đó, năm 2003, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã ra bản án với 6 bị cáo tham gia vận chuyển trái phép gần 400 điện thoại di động trên chuyến bay Dubai - Hà Nội, trong đó có 5 tiếp viên Vietnam Airlines.

Đến năm 2017, một nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines bị phát hiện cùng chồng và một đối tượng khác buôn lậu vàng qua đường hàng không từ Hàn Quốc về Việt Nam. Hậu quả, vợ chồng nữ tiếp viên này nhận tổng cộng 21 năm tù, đối tượng còn lại nhận 9 năm tù về tội buôn lậu.

Cach nao doi pho voi nan buon lau qua duong hang khong? - Hinh anh 2
Ngành hàng không liên tục đưa ra các giải pháp "siết" buôn lậu trong thời gian qua. Ảnh minh hoạ 

Liên tục siết chặt buôn lậu qua đường hàng không


Trước những diễn biến khó lường của tội phạm buôn lậu qua đường hàng không, trong thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan trong lĩnh vực hàng không cũng như nhiều hãng bay liên tục đưa ra những biện pháp siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn lậu qua đường hàng không.

Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2023. Trong bản kế hoạch trên, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng không 3 miền Bắc, Trung, Nam triển khai thực hiện và giám sát công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý.

 Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ suất ăn, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay; kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của đơn vị khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không nhằm ngăn chặn việc thực hiện và tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay, nhất là chuyến bay quốc tế nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá bằng đường hàng không.


Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng HKQT Vân Đồn có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu.

Kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay. 

Các hãng hàng không được yêu cầu chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, các hãng bay phải chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không của hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng Hải quan, lực lượng Kiểm soát an ninh hàng không. Ngoài ra, phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phải tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công an để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

QUÝ NGUYỄN/KTĐT

Tin liên quan