Xe limousine dừng đỗ, đón trả khách trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân
|
Tác nhân gây ùn tắc, mất an ninh trật tự
Xe khách trá hình hay còn gọi là xe limousine, xe VIP, đăng ký kinh doanh dưới dạng xe hợp đồng nhưng thường xuyên nhận đặt chỗ, vận chuyển khách liên tỉnh như xe khách tuyến cố định. Với lợi thế ít chỗ, chạy nhanh, có thể luồn lách vào mọi ngõ ngách trong trung tâm TP để đón trả, xe khách trá hình đã từng bước chiếm lĩnh thị trường, phát triển với số lượng chóng mặt. Theo ước tính của Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng, hiện có đến hàng vạn chiếc, hoạt động chủ yếu trên các tuyến ngắn từ Hà Nội đi: Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng…
Sự gia tăng mất kiểm soát của loại hình này đã gây ra rất nhiều hệ luỵ cho Hà Nội, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự. Giờ cao điểm hàng ngày, đâu đâu cũng có thể bắt gặp xe khách trá hình đón, trả khách, dừng đỗ bất chấp gây rối loạn giao thông. Trong khi đó, nhiều loại hình khác như taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi đã bắt đầu bị hạn chế trên một số tuyến phố có nguy cơ ùn tắc cao, xe khách liên tỉnh tại các bến thì thưa thớt người sử dụng. Nếu trước đây, ùn tắc giao thông do xe khách chỉ xuất hiện chủ yếu tại khu vực có các bến xe lớn, thì nay đã lan tràn ra khắp TP, nhất là khu vực 12 quận trung tâm, nơi tập trung đông dân cư sinh sống.
Không chỉ khiến áp lực giao thông tăng cao, xe khách trá hình còn khiến lực lượng chức năng vô cùng bối rối. Việc kiểm tra, xử lý loại hình này gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết nhà xe đều “chế” sẵn hợp đồng để đối phó, hành khách lại bất hợp tác, khiến công tác xử phạt của CSGT, Thanh tra GTVT… không hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải đưa ra biện pháp mạnh, phù hợp hơn để hạn chế vi phạm của xe khách trá hình.
Cần kiểm nghiệm qua thực tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên thêm loại hình xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên vào diện cấm lưu thông trên một số tuyến phố có nguy cơ ùn tắc cao của Hà Nội. Chuyên gia giao thông đô thị TS Đặng Minh Tân phân tích, nhiều tuyến đường như Trần Phú - Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương… đã cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ và xe khách từ 16 chỗ trở lên hoạt động toàn thời gian hoặc trong giờ cao điểm. “Biện pháp này đã hạn chế đáng kể lượng phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện không ưu tiên, góp phần giảm áp lực giao thông. Trên cơ sở đó có thể nghiên cứu, xem xét cấm cả xe hợp đồng chờ khách từ 9 chỗ trở lên tại các tuyến đường trục chính. Qua đó hạn chế xe khách trá hình hoạt động” - ông Tân nhận định.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý vận tại, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết: “Có thể cấm xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên, ngoại trừ xe đưa đón học sinh, cán bộ, công nhân viên. Qua đó từng bước hạn chế xe khách trá hình trong nội đô TP”. Tuy nhiên, ông Đào Việt Long cũng cho hay, việc tổ chức giao thông, cấm một số loại phương tiện lưu thông cần được nghiên cứu kỹ, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
Xe khách trá hình hiện nay chủ yếu từ 9 - 10 chỗ trở lên. Nếu có thể cấm lưu thông loại hình này trong giờ cao điểm trên các tuyến phố trung tâm sẽ giúp giảm gánh nặng về giao thông cũng như thuận tiện hơn cho công tác tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Sở GTVT Hà Nội có thể nghiên cứu, thí điểm cấm tại một số tuyến chính, nếu hiệu quả sẽ mở rộng hơn. Bên cạnh đó, công tác xử phạt vi phạm đối với xe khách trá hình cũng cần được duy trì một cách kiên quyết, bền bỉ, linh hoạt hơn.
Hiện nay, TP đã có 5 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm ở 5 cửa ngõ để đáp ứng nhu cầu đi lại liên tỉnh của người dân. Các loại hình vận tải công cộng như xe buýt, taxi cũng đã cơ bản đáp ứng kết nối trung tâm TP với các bến này. Nếu có thể cấm xe hợp đồng từ 9 chỗ ngồi trở lên vào trung tâm, sẽ giảm tải mạnh mẽ cho giao thông, hạn chế vi phạm của xe khách trá hình. |