Cần cơ chế khuyến khích các tuyến buýt kế cận

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều DN vận tải cho biết, họ sẵn sàng tham gia khai thác các tuyến buýt kế cận, phục vụ người dân cũng như đóng góp chung vào hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, DN vận tải cần có thêm những cơ chế khuyến khích bởi xe buýt kế cận không được trợ giá.

Phó Giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội Dương Minh Thắng cho biết, đơn vị này đang tham gia khai thác nhiều tuyến buýt kế cận của Hà Nội như tuyến số: 202, 204, 205, 210, 21, 215...

“Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng đầu tư, phát triển loại hình buýt kế cận, nhưng cũng rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết những khó khăn, rào cản trong kinh doanh” - ông Dương Minh Thắng nói.

Can co che khuyen khich cac tuyen buyt ke can - Hinh anh 1
Doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Vị lãnh đạo Công ty CP Xe khách Hà Nội chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh của xe khách trá hình, xe tiện chuyến hoạt động dày đặc trên nhiều tuyến đường mà buýt kế cận phục vụ. Các DN vận tải khai thác xe buýt kế cận đều mong muốn lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh, triệt để vi phạm nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh, làm trong sạch môi trường cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ông Dương Minh Thắng cũng mong đợi Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa đối với xe buýt kế cận. Ví dụ như cho các DN vận tải tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phương tiện như với xe buýt có trợ giá. Khoản đầu tư mua sắm phương tiện đang là khó khăn rất lớn với DN vận tải, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ông Dương Minh Thắng cho biết thêm, xe buýt kế cận có một lợi thế lớn so với xe khách liên tỉnh được dừng đỗ, đón trả khách tại nhiều điểm trên hành trình, thuận tiện cho người dân sử dụng.

Tuy nhiên hiện xe buýt kế cận vẫn cần được mở rộng vùng hoạt động, tiếp cận nhiều hơn nữa những điểm trung chuyển hành khách lớn, nhất là những khu vực có kết nối với đường sắt đô thị, xe buýt nội đô… để tiếp cận tốt hơn với hành khách.

Không ít hành khách vì ngại di chuyển nhiều tuyến buýt để đến bến xe nên chọn đi xe ghép, xe tiện chuyến thay vì buýt kế cận.

“Nếu khắc phục được nhược điểm này, người dân vừa dễ dàng đón xe, vừa tiết giảm được chi phí đi lại, sẽ có thêm điều kiện để ưu tiên lựa chọn buýt kế cận” - ông Dương Minh Thắng nói.

Mặt khác, Phó Giám đốc Công ty CP Xe khách Hà Nội cũng kiến nghị TP Hà Nội tạo điều kiện để các tuyến buýt kế cận hoạt động ổn định, tránh chồng chéo khi quy hoạch phát triển thêm các tuyến buýt mới. Đây cũng là mong muốn của nhiều DN vận tải đã và đang có ý định tham gia đầu tư vào xe buýt kế cận.

Có thể thấy dư địa dành cho xe buýt kế cận phát triển còn rất nhiều. Hà Nội cũng đã có những chính sách ưu đãi cho loại hình VTHK công cộng này như: giảm phí, lệ phí bến… Tuy nhiên xe buýt kế cận lại chưa hấp dẫn được cả DN vận tải lẫn bộ phận không nhỏ người dân.

Muốn xe buýt kế cận định hình rõ nét hơn, đảm nhiệm tốt hơn vai trò thay thế xe khách liên tỉnh ở cự ly dưới 100km trong tương lai, còn rất nhiều việc phải làm. TP Hà Nội cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN và người dân; DN phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng mong mỏi của hành khách.

Trong bối cảnh nở rộ nhiều loại hình VTHK, gây sức ép rất lớn lên giao thông đô thị như hiện nay, phát triển mạng lưới buýt kế cận là một trong những giải pháp quan trọng cần được ưu tiên thực hiện nhằm đẩy lui xe dù, bến cóc.

Phạm Công

Tin liên quan