Cảnh giác cây đổ mùa mưa bão

 
Chia sẻ

Cứ đến mùa mưa bão, tình trạng cây xanh gãy cành, bật gốc tại Hà Nội gây nguy hại tới tính mạng, tài sản của người đi đường xảy ra khá phổ biến.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến ngày 3/8, trên địa bàn thành phố đã có khoảng hơn 50 cây xanh bị gẫy, đổ do mưa kèm theo gió lớn, ảnh hưởng của cơn bão số 3. Cây bị gẫy đổ trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của cơn bão số 3, có đường kính từ 15 đến 50 cm phần lớn mới được trồng từ vài năm, song cũng có cây đã vài chục năm cũng bị đổ, gẫy.

Canh giac cay do mua mua bao - Hinh anh 1
Hiện trường vụ cây đổ khiến 1 người lái xe đâm vào, tử vong rạng sáng 9/8

Cây xanh bị gẫy, đổ rải rác tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, gây cản trở việc lưu thông trên nhiều tuyến đường. Cây đổ cũng làm một người đi đường đâm vào và tử vong tại chỗ rạng sáng ngày 09/8. Tình trạng này khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an khi ra đường:  Mỗi mùa mưa bão hà nội đổ cây nhiều, nên mỗi khi trời mưa là tôi không dám ra đường, sau mỗi trận mưa có nhiều thông tin về cây đổ gây chết người hay đè vào ô tô nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Tôi rất mong muốn Hà Nội có biện pháp không để xảy ra tình trạng này nữa. 

Mỗi lần trời mưa đều nán lại ở nhà nếu việc không quá gấp. nhiều khi đang đi trên đường gió mạnh cành cây cũng rơi xuống trước mặt mình, may mắn chỉ là những cành nhỏ thôi. Tôi rất mong muốn Hà Nội có biện pháp giảm thiểu cây gẫy đổ, có những che chắn, chống cây bớt đổ, thường xuyên cắt tỉa cành.

Hiện nay, phần lớn hệ thống cây xanh ở Thủ đô đã phát triển qua nhiều thời kỳ, với hệ thống cây bóng mát, cây cổ thụ có khi hàng trăm tuổi. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn còn khá nhiều. Điều này cho thấy, cây xanh đô thị Hà Nội dễ đổ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nguyên nhân không chỉ đến từ thiên tai.

Theo TS Trần Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện kiến trúc, cảnh quan và Môi trường, ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội, việc thi công hạ tầng đô thị hiện nay khá bất cập. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao khiến rễ cây lâu năm bị nông, dẫn đến cây dễ gãy đổ. Mưa lớn, đất nền yếu, lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật mạnh cây rất dễ đổ.


 TS Trần Anh Tuấn khẳng định: Nó phụ thuộc vào không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không, nếu đủ rộng mới trồng cây lớn được, vì cần bóng mát và bộ rễ phải đủ rộng. Không gian nhỏ có thể dùng cây bám đường… Để đảm bảo an toàn giao thông thì những cây đó không được cành giòn, dễ gẫy trong mùa mưa bão.

Canh giac cay do mua mua bao - Hinh anh 2
Những cây xà cừ lớn bị quật đổ do ảnh hưởng của bão số 3 hôm 2/8

Ngoài ra, một yếu tố khác là loại cây trồng và kỹ thuật trồng. Tiêu chuẩn tiên quyết của một số cây trồng trên đường phố Hà Nội là phải chống chịu được gió bão. Việc chọn một số cây trồng không đúng, cây có bộ rễ nông, rễ chùm thay vì rễ cọc cũng khiến cây dễ gãy đổ chỉ cần gió bão. Công tác thay thế cây trồng liên tục cũng làm cây chưa đủ thời gian trổ rễ, bám sâu vào lòng đất. Trong khi đó, nhiều tuyến phố Hà Nội cây xanh không hề hấn gì do rễ cây và điều kiện sống của cây ít bị con người xâm phạm.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, thành phố Hà Nội cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, phát triển trồng mới các loại cây đô thị, bảo đảm an toàn, bên cạnh những biện pháp tình thế như: cắt ngọn, tỉa cành, thay thế cây rỗng, mục…, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Ông Nguyễn Việt Hưng cho biết: Sở Xây dựng và các ban ngành sẽ tăng cường kiểm tra và gia cố cọc chống, cắt sửa những cây nặng tán trong mùa mưa bão. Sở Xây dựng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện duy trì cắt tỉa cây xanh trong địa bàn thành phố, tăng cường kiểm tra và rà soát hàng quý, hàng tháng.
 

Theo VOV Giao Thông

Tin liên quan