Phần thi thực hành trong sát hạch đào tạo lái xe. Ảnh: Việt Linh
|
Kỳ vọng lớn về sự hiệu quả
Theo đề xuất, mỗi GPLX sẽ được cấp 12 điểm/năm tương ứng với 12 tháng. Điểm số này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, bằng lái sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp GPLX mới phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng. Nếu trong một năm tài xế không bị trừ hết điểm, cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Bộ Công an cũng đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó có các lỗi như chạy quá tốc độ 10 - 20 km/h, chở quá số người vượt trên 50 - 100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trên cao tốc… Nhiều lỗi phổ biến khác cũng nằm trong danh sách bị trừ điểm trong GPLX như đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông...
Theo đại diện Bộ Công an, việc cấp điểm cho GPLX theo năm đưa ra sau khi đã tham khảo kinh nghiệm một số nước có hệ số an toàn giao thông cao như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện. Thay vì chỉ quản lý theo từng hành vi đơn lẻ như hiện nay, cơ quan Nhà nước còn có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm.
Chủ trương đúng cần người làm chuẩn
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, phần lớn lái xe tại Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với cách làm này. Anh Phương Thế Nam (SN 1981, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội), tài xế xe hợp đồng cho rằng, một trong những “nỗi sợ hãi” lớn nhất của lái xe chính là việc phải thi lại bằng lái. “Lâu nay, việc thi lại bằng lái ít xảy ra bởi chỉ khi vi phạm những lỗi thật nặng, bị tước bằng mới phải thi lại. Chẳng riêng gì tài xế ô tô mà bất kỳ tài xế đi loại phương tiện gì cũng rất ngại việc phải thi lại bằng” – anh Nam nói. Do đó, quy định cấp điểm cho GPLX rồi trừ điểm dần căn cứ vào những lỗi vi phạm của Bộ Công an chính là một biện pháp đánh thẳng vào "nỗi sợ hãi" của các lái xe nên tính hiệu quả của cách làm này là rất đáng chờ đợi.
Đồng quan điểm trên, anh Chu Hữu Châu (SN 1977, trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, tài xế xe tải đường dài) khẳng định, việc đưa ra hình phạt bắt phải thi lại bằng lái xe như đề xuất của Bộ Công an nghe qua có vẻ nhẹ nhàng nhưng có sức răn đe rất lớn. “Nên nhớ cả năm có 12 điểm, tức là mỗi tháng phạm một lỗi sẽ bị trừ hết điểm” – anh Chu Hữu Châu phân tích. Theo tài xế này, quy định trên sẽ tác động lớn nhất đến đội ngũ tài xế đường dài như anh bởi cường độ công việc của tài xế đường dài rất lớn, do đó nguy cơ phạm lỗi và bị trừ điểm cũng rất cao.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, về mặt bản chất, đề xuất tính điểm cho GPLX đưa ra có nhiều nét tương đồng với việc bấm lỗ bằng lái với tài xế vi phạm được cơ quan này thực hiện trước đây. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến trong thời đại 4.0 như hiện nay, cách trừ điểm trực tiếp trên hệ thống văn minh hơn rất nhiều so với việc bấm lỗ bằng lái trước kia. Điều này sẽ giúp đề xuất của Bộ Công an nhận được nhiều sự đồng tình hơn.
“Cả hai cách làm đều cùng vì một mục đích tốt đẹp là giúp tài xế nâng cao ý thức, từ đó lái xe an toàn hơn. Nhưng cách làm bấm lỗ vào bằng lái trước kia khá phản cảm nên đã được loại bỏ. Còn việc cấp điểm cho bằng lái và trừ điểm trên hệ thống như đề xuất mới của Bộ Công an thì khác. Nếu cách làm tốt, hiệu quả mang lại sẽ rất tốt” – ông Thanh nhận định. Bởi trước đây, không ít quy định đã được thông qua, đưa vào luật nhưng khi áp dụng vào đời sống thì phát sinh bất cập do đội ngũ người thực hiện làm không đúng và không tới.
Việc đưa ra chế tài buộc tài xế phải thi lại bằng nếu bị trừ hết điểm là cách làm văn minh, giúp tài xế có điều kiện để tự rút kinh nghiệm, tự sửa sai. Nhưng quan trọng nhất là cách vận dụng quy định này phải thật chính xác và chuẩn chỉnh. Nếu không chẳng những sẽ không hiệu quả mà còn tác dụng ngược và nảy sinh tiêu cực.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh
|