Chỉ định thầu cao tốc Bắc-Nam: Cách nào đảm bảo công bằng, minh bạch?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ tiến hành chỉ định thầu để thi công. Đây là cơ chế giúp dự án đảm bảo được tiến độ nhưng cũng cần những biện pháp căn cơ để đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Chi dinh thau cao toc Bac-Nam: Cach nao dam bao cong bang, minh bach? - Hinh anh 1
Chỉ định thầu sẽ giúp cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo tiến độ. Ảnh: Lê Thanh 

Cần cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ

Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết 18/NQ-CP triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2). Trong đó, điều đáng chú ý nhất là việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần.

Mục tiêu đặt ra đối với dự án là khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ quyết định áp dụng một số cơ chế đặc thù như chỉ định thầu; giải phóng mặt bằng giao cho địa phương thực hiện trước… rất phù hợp.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có tới 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729km, tổng vốn đầu tư lên tới gần 147.000 tỷ đồng song lại chỉ có 4 năm để thực hiện. Do đó, nếu không có một cơ chế đặc thù rất khó để dự án này hoàn thành đúng thời hạn đề ra. Và cơ chế chỉ định thầu mà Chính phủ vừa đưa ra sẽ đáp ứng được yêu cầu đó.

Theo PGS.TS Trần Chủng, một trong những công đoạn mất nhiều thời gian nhất khi triển khai các dự án làm đường cao tốc chính là công tác đấu thầu. Thực tế ghi nhận có những dự án phải mất 2 - 3 năm mới đấu thầu xong. Tuy nhiên, lo ngại này sẽ được xóa bỏ khi thực hiện cơ chế chỉ định thầu. “Đấu thầu hay chỉ định thầu cũng chỉ là phương thức lựa chọn một nhà thầu có năng lực về kinh nghiệm, tài chính đáp ứng tiến độ, chất lượng và giá” - PGS.TS Trần Chủng nhận định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, ưu việt của đấu thầu rộng rãi là đảm bảo được tính công khai, minh bạch cũng như đảm bảo điều kiện của thị trường, tính cạnh tranh trong triển khai các dự án. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại nước ta cho thấy, hiện nay, công tác đấu thầu chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Điều này có thể dễ dàng nhận ra ở một số biểu hiện như số lượng doanh nghiệp tham gia đấu thầu ít, việc đấu thầu chủ yếu thực hiện trong nước hay tỷ lệ tiết giảm cũng không đáng kể.  

Để “chọn đúng mặt, gửi đúng vàng” khi chỉ định thầu thì không chỉ nhìn vào mức độ lộng lẫy của hồ sơ mà phải dựa trên chất lượng sản phẩm mà nhà thầu đã thực hiện trong quá khứ. Ở nhiều nước trên thế giới, sự tin cậy của nhà thầu được đánh giá ở những công trình rất cụ thể nhà thầu từng làm.
Chủ tịch VARSI PGS.TS Trần Chủng

Trong khi đó, với cơ chế chỉ định thầu, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cũng có không ít ưu việt như đảm bảo khả năng thực thi gói thầu một cách tốt nhất, đảm bảo tính kế thừa kinh nghiệm trong quá trình xây lắp các gói thầu phù hợp yêu cầu về mặt thời gian thực thi các dự án theo kế hoạch.

Chi dinh thau cao toc Bac-Nam: Cach nao dam bao cong bang, minh bach? - Hinh anh 2
Cần có cơ chế giám sát chặt việc chỉ định thầu. Ảnh: Thái Bình 

Phải đảm bảo công khai, minh bạch

Dù đồng ý việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 vào thời điểm này là phù hợp nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo nhiều giải pháp cần thực hiện để cơ chế đảm bảo được công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu.

TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông cho rằng, cơ chế chỉ định thầu sẽ  rút ngắn được nhiều thời gian của quá trình triển khai làm các đoạn cao tốc so với đấu thầu nhưng đổi lại sẽ cũng tiềm ẩn nguy cơ nhà thầu yếu kém và lợi ích nhóm. Chính bởi hạn chế này mà chỉ định thầu không được khuyến khích áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Do đó, để loại bỏ những hạn chế mà chỉ định thầu có thể gây ra, theo TS Nguyễn Hữu Đức, các cơ quan quản lý cần phải có sự công tâm khi lựa chọn nhà thầu để chỉ định cũng như cần đưa ra những tiêu chí chỉ định một cách cụ thể và công khai. Điều này sẽ giúp người dân và các DN có cơ sở để giám sát nhà thầu được chỉ định có đảm bảo năng lực thật sự hay không.

“Dù chỉ định thầu cũng cần tiêu chí rõ ràng để sàng lọc nhà thầu yếu kém. Xây dựng tiêu chí không khó vì chúng ta có kinh nghiệm làm nhiều cao tốc. Nhà thầu nào tốt, chưa tốt đều có thể đánh giá qua dữ liệu, tiêu chí chủ đầu tư đặt ra” - TS Nguyễn Hữu Đức phân tích.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thước - Chuyên gia kinh tế khẳng định, để chỉ định thầu được hiệu quả, đáp ứng được tiến độ, chất lượng, Bộ GTVT và các bộ liên quan phải phối hợp nghiên cứu đưa ra tiêu chí lựa chọn chính xác. Từ tiêu chí được xây dựng, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn.

“Nếu có được một cơ chế giám sát  chặt chẽ thì chỉ định thầu sẽ vừa thúc đẩy được tiến độ dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong kỳ trung hạn, vừa giúp ngân sách Nhà nước tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư khi triển khai các dự án trọng điểm” - TS Nguyễn Văn Thước cho biết.

Được biết, Bộ GTVT đang rất khẩn trương hoàn thiện những công việc cuối cùng để đưa dự án vào khởi công (mục tiêu mỗi dự án khởi công ít nhất 1 gói thầu) vào cuối năm 2022. 

Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi tới thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cơ bản thống nhất với các địa phương về hướng tuyến và dự định giữa tháng 3/2022 sẽ chốt và bàn giao mốc giới dự án cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã giao các ban quản lý dự án (BLDA) trực thuộc làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Mục tiêu của Bộ GTVT là đến ngày 31/5 sẽ phê duyệt báo cáo với dự án địa chất thuận lợi (các dự án còn lại phê duyệt muộn nhất trong tháng 6/2022).

Những địa phương có đường cao tốc đi qua cũng đã được yêu cầu triển khai ngay các bước giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng sạch trong năm nay để khởi công, phần còn lại bàn giao trong quý II/2023.

Khi chỉ định thầu, đơn vị giới thiệu nhà thầu rất quan trọng. Đó phải là người quản lý nắm được doanh nghiệp có năng lực tài chính, doanh nghiệp, khả năng ứng dụng công nghệ. Cần có khung chung cho các gói thầu, khi giới thiệu sẽ đảm bảo được tính bình đẳng, công khai, minh bạch. Các nhà thầu được giới thiệu lựa chọn hoặc đã được lựa chọn cần được công khai trên mạng để toàn dân giám sát năng lực, hiệu quả của việc chỉ định thầu, giảm thiểu tối đa móc ngoặc việc xin - cho.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế

 

NGUYỄN QUÝ/KTĐT

Tin liên quan