|
Vấn nạn xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Ảnh: Lê Anh |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Tăng nặng mức phạt để giảm vi phạm
Trong bản dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đáng chú ý nhất là đề xuất tăng mức xử phạt đối với chủ xe và tài xế có hành vi chở hàng quá tải.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành (10 - 20%, 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150% và trên 150%) thì chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: quá tải là 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50%.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10 - 20%.
Đối với mức 2, dự thảo Nghị định tăng từ 3 - triệu đồng lên 13 - 15 triệu đồng đối với hành vi vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20 - 50%.
Đối với mức 3, dự thảo phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam lí giải, xe chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Do đó cần phải xử phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với những vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Chính bởi thể, bản Dự thảo nghị định đã đề nghị tăng mạnh mức xử phạt mức 2 trở lên. Với mức tăng mới, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải ở mức cao nhất, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng.
Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT cũng cho rằng, việc ăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi trên nhằm mục đích bảo đảm tính răn đe, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với những vi phạm cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhất là khi chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này còn khá thấp.
|
Vai trò của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lí vi phạm trên đường là rất quan trọng. Ảnh: Hòa Thắng |
Cần như chưa đủ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, các chuyên gia cùng chung nhận định, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm tải trọng xe vào thời điểm này là cần thiết khi mà hành vi này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhận định, chở quá tải là hành vi trực tiếp phá hoại đường, đồng nghĩa với hành vi phá hoại tài sản Quốc gia. Do đó, hành vi này phải được xử phạt thật nặng.
Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, các chủ DN vận tải, chủ phương tiện và cả tài xế khi cho xe ra đường đương nhiên biết rõ tải trọng xe của mình bao nhiêu. Điều đó có nghĩa, khi họ chở quá tải tức là họ biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đây là tình tiết tăng nặng.
“Vấn nạn xe quá tải đã nhức nhối từ rất nhiều năm qua. Chúng ta đã có rất nhiều giải pháp để đấu tranh với hành vi này nhưng đến nay vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Đã đến lúc phải thật sự mạnh tay hơn và chế tài mạnh là một công cụ cần thiết” – chuyên gia Bùi Danh Liên nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cho rằng, chế tài mạnh là cần thiết song chưa đủ. “Vì sao xe quá tải vẫn nhức nhối trong nhiều năm qua bất chấp biết bao giải pháp được đưa ra? Ngoài chế tài đủ mạnh thì trách nhiệm của lực lượng chức năng, của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ và của chính quyền các địa phương cũng rất quan trọng” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, ngoài tăng chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm tải trọng, dự thảo Nghị định cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe.
“Trong trường hợp này, vai trò của lực lượng chức năng trên đường và của chính quyền địa phương là rất quan trọng bởi đây là những người bám sát cơ sở nhất, nắm rõ hiện trạng nhất. Lực lượng chức năng không được bỏ lọt, bỏ sót vi phạm còn chính quyền địa phương phải quản lý, giám sát DN vận tải, chủ phương tiện vận tải ngay từ địa phương mình. Nếu làm được như thế, vi phạm tải trọng xe chắc chắn sẽ giảm” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.