“Đắp chiếu” mùa dịch, nhiều tài xế mong muốn miễn trừ phí sử dụng đường bộ

THÀNH LUÂN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều tài xế cho rằng, trong thời gian các phương tiện buộc phải “đắp chiếu” bởi lệnh giãn cách xã hội thì việc chủ xe vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ là không hợp lý.


“Dap chieu” mua dich, nhieu tai xe mong muon mien tru phi su dung duong bo - Hinh anh 1
Nhiều tài xế dù dịch bệnh vẫn phải đưa xe đi đăng kiểm rồi lại "đắp chiếu" không sử dụng.

Dịch bệnh vẫn phải cố mang xe đi đăng kiểm

Mới đây, việc “Mua ô tô thanh lý sẽ được miễn truy thu phí sử dụng đường bộ”, là điểm mới được quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (thay thế Thông tư số 293/2016), có hiệu lực thi hành từ 1/10 tới đã được rất nhiều tài xế, người dân tán thành với chủ trương trên.

Tuy vậy, còn nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi của quy định mới trong Thông tư 70 là quyết định rất tốt, tuy nhiên vẫn là chưa đủ, khi chủ yếu nhằm vào đối tượng mua xe thanh lý vốn chỉ chiếm số lượng khiêm tốn, trong khi vẫn còn rất nhiều phương tiện đang phải “đắp chiếu” bởi dịch bệnh thì chưa được đề cập tới.

Anh Lê Cao Sơn (40 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) đang sử dụng chiếc ô tô con Huyndai i10 đã hết hạn đăng kiểm từ cuối tháng 7 nhưng chưa thể mang xe đi kiểm định đúng hạn được bởi TP đang giãn cách xã hội, anh cũng không dùng đến xe do hiện tại đang làm việc tại nhà.

Cách đây vài hôm, khi biết tin các trạm đăng kiểm vẫn hoạt động, anh vẫn quyết định mang xe đi đăng kiểm ở một trạm gần nhà cho yên tâm. Dù biết rằng sau khi đăng kiểm về, xe của anh lại tiếp tục “đắp chiếu”, chưa biết đến khi nào mới sử dụng lại.

“Khoản tiền phí sử dụng đường bộ phải nộp thêm không quá lớn, xe tôi quá hạn gần 2 tháng phải đóng số tiền là hơn 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, xe không ra đường mà vẫn phải nộp phí sử dụng đường bộ theo tôi là không hợp lý”, anh Lê Cao Sơn nêu ý kiến.

Còn trường hợp của anh Nguyễn Minh Châu (35 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) số tiền anh phải đóng có phần "nặng" hơn. Anh đang có 2 chiếc xe loại 45 chỗ. Cả hai chiếc xe này của anh đã phải "khoá bánh" trong bãi xe mấy tháng nay.

Phí sử dụng đường bộ cho riêng xe 45 chỗ là 590 nghìn/tháng, và 2 chiếc xe này khiến số tiền anh Châu phải đóng hơn 1 triệu đồng/tháng. Đầu tháng sau, cả 2 chiếc xe đều đến hạn đăng kiểm và nộp phí sử dụng đường bộ, nỗi lo của anh Châu ngày càng đến gần.

“Cánh lái xe kinh doanh vận tải như chúng tôi thời gian này rất kiệt quệ vì hầu như không ai thuê, cả xe và người phải nằm im. Không có việc nên xe gần như để gửi bãi, phải lo đủ thứ tiền như lương, bến bãi, tài chính... mà xe vẫn phải đóng phí đường bộ. Số tiền phải lên đến cả chục triệu đồng. Tôi nghĩ cần có chính sách miễn trừ loại phí sử dụng đường bộ này trong thời gian dịch bệnh vì xe của chúng tôi đâu có được sử dụng đường bộ đâu”, anh Châu giãi bày.

“Dap chieu” mua dich, nhieu tai xe mong muon mien tru phi su dung duong bo - Hinh anh 2
Ô tô "đắp chiếu" một thời gian dài nhưng nhiều người dân vẫn đóng phí sử dụng đường bộ.  Ảnh minh hoạ 

Hợp lý, hợp tình

Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, điều này khiến lượng phương tiện quá hạn đăng kiểm tăng cao. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến đầu tháng 9/2021, có xấp xỉ 14.000 xe ô tô dưới 9 chỗ quá hạn đăng kiểm từ 1-3 tháng và dự kiến tiếp tục tăng nhanh.

Đây được xem là số lượng xe quá hạn đăng kiểm kỷ lục trong nhiều năm qua mà lý do chủ yếu là bởi lệnh giãn cách xã hội, mặc dù hầu hết trung tâm đăng kiểm tại các địa phương này vẫn được hoạt động.

Theo nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, những đề xuất của các lái xe liên quan đến việc miễn phí sử dụng đường bộ là rất có lý, cần được quan tâm, xem xét. Khi hiện nay, trừ những xe “luồng xanh” và ô tô của đội ngũ chống dịch, hầu hết phương tiện cá nhân đều không được khuyến khích ra đường. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải nên sớm cân nhắc miễn phí sử dụng đường bộ cho các xe cá nhân đang bị dừng hoạt động.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Nguyễn Minh Châu cho rằng việc miễn giảm phí sử dụng đường bộ đối với ô tô buộc phải nằm một chỗ là hợp lý - hợp tình, giống như các trạm thu phí đường bộ; rồi điện, nước, viễn thông,… đều đang miễn hoặc giảm giá để hỗ trợ người dân chống dịch.

"Tuy vậy, nếu làm đại trà với phạm vi toàn quốc thì không nên. Cần cân nhắc đến đặc điểm về dịch bệnh của các địa phương, từ đó có các mức miễn giảm phí sử dụng đường bộ cho hợp lý. Ví dụ như địa phương nào áp dụng Chỉ thị 16 thì miễn phí; địa phương áp dụng Chỉ thị 15 thì giảm 75% còn các địa phương khác giảm 50%. Thời gian miễn giảm sẽ tính (có làm tròn) bằng thời gian áp dụng các chỉ thị" - anh Châu đề xuất giải pháp.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều tài xế cho rằng với đề xuất miễn giảm phí sử dụng đường bộ cho ô tô này rất cần được cơ quan chức năng quan tâm, xem xét để cùng đồng hành với người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì lưu thông dòng chảy kinh tế.

Tin liên quan