Chưa phù hợp
Sáng 31/10, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng phối hợp Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố”. Dự thảo đề án của Sở GTVT Đà Nẵng.
Tham gia phản biện tại hội nghị, ông Bùi Văn Tiếng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng thẳng thắn phản bác đề án này. Theo ông Tiếng, không ít trường hợp kẹt xe do ý thức tham gia giao thông kém, cố lấn làn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu bãi đỗ xe khiến ô tô đỗ dưới lòng đường cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc.
Vì thế, ông Tiếng đề xuất: “Nâng cao văn hóa giao thông cho người dân mới quan trọng, kèm theo đó phải tăng cường xây bãi đỗ xe công cộng, phân luồng giao thông hợp lý, tổ chức hệ thống giao thông công cộng hiện đại mới là thượng sách”.
Còn ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng phản bác đề án vì cho rằng ở Việt Nam quá nhiều xe máy, nên kẹt xe không phải chỉ do ô tô mà còn do xe máy. Mặt khác, Đà Nẵng cũng đang muốn phát triển công nghiệp ô tô, nguồn thu thuế của TP cũng là ô tô. Vì vậy, Đà Nẵng tìm mọi cách để kiềm xe ô tô lại là không nên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, áp dụng đề án thu phí trong thời điểm này chưa phù hợp. “Thu phí chỉ là biện pháp sau cùng khi chúng ta không còn kiểm soát được kẹt xe nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu đề án này ngay bây giờ, xem như bước chuẩn bị trong tình huống cần thiết chứ không thể để nước tới chân mới nhảy”, ông Tiến đề xuất.
Cũng theo ông Tiến, trước đây Đà Nẵng từng có nhiều giải pháp phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc rất hiệu quả. Vấn đề nan giải là hệ thống giao thông tĩnh đang chậm so với yêu cầu, thiếu bãi đỗ xe thì xe phải đỗ lòng đường, trong khi TP chưa có chế tài xử lý.
|
Nhiều phương tiện lưu thông trên tuyến đường Trần Hưng Đạo của Đà Nẵng. |
Theo bà Lê Thị Nam Phương - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng, thu phí phương tiện vào trung tâm TP chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế, khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thì phương tiện bắt buộc phải vào và đóng phí, kéo theo hệ lụy tăng giá hàng hóa, giảm sức cạnh tranh kinh tế. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Tiến cho rằng cấm xe thì khả năng tiếp cận hàng hóa vào khu vực trung tâm khó khăn. Phải nộp phí dẫn đến tăng giá, giảm sức cạnh tranh, giảm sức hấp dẫn kinh tế của khu vực trung tâm thành phố.
Luật chưa cho phép nên chưa thể làm!
KTS Trần Dân - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm cầu đường Đà Nẵng, nhấn mạnh, việc thu phí này luật chưa cho phép nên chưa thể làm.
Theo KTS Trần Dân, để hạn chế ùn tắc giao thông trước tiên cần khơi thông các điểm ùn tắc nghiêm trọng. Cụ thể ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, KTS Trần Dân đề xuất sớm khởi công nút giao thông Tây cầu Trần Thị Lý, nút Tây cầu Rồng, vì đây là 2 nút giao thông trọng điểm, thường xuyên ùn tắc nặng.
|
Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng xử lý trường hợp xe khách đậu đỗ sai quy định. |
Đồng quan điểm với nhiều ý kiến khác, KTS Trần Dân đề nghị Đà Nẵng nên phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, điều tra luồng khách đi lại, điều chỉnh các tuyến xe buýt cho thuận tiện.
Theo đề án, năm 2023, TP Đà Nẵng thu phí theo ranh giới: Nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - 2/9 - Bạch Đằng - 3/2 - Nguyễn Tất Thành - Lê Độ. Đến năm 2025, đánh giá kết quả thu phí và điều chỉnh theo tình hình thực tế, nghiên cứu mở rộng phạm vi thu phí và năm 2030 sẽ thực hiện thu phí đối với xe máy.
Sau năm 2030, nghiên cứu ứng dụng phương án thu phí theo khoảng cách đi lại trên toàn bộ các tuyến đường thuộc ranh giới thu phí.
Theo đó, việc thu phí áp dụng đối với ô tô con (cả taxi), xe khách và xe tải (trừ xe buýt và xe ưu tiên theo quy định). Thời gian thu phí ô tô con vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Đối với xe tải, xe khách thu phí từ 6h30 – 19h30 tất cả các ngày trong tuần. Đối với ô tô con của người dân có hộ khẩu trong vùng thu phí, sẽ giả 75% phí cho 25 lần/ tháng. |