|
Nhiều người đậu ô tô chiếm dụng hết vỉa hè một số tuyến đường ở phường Hiệp Phú (quận 9, TPHCM). Ảnh: THẠCH BÍCH NGỌC |
Những hành vi tệ hại
Các biểu hiện vi phạm khi tham gia giao thông thường thấy là phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, chạy lấn vào làn của các phương tiện khác, đi vào đường cấm, chạy tốc độ cao ở những nơi đông dân cư hoặc có địa hình phức tạp… Không chỉ vậy, một số tài xế xe khách, xe tải còn điều khiển xe sau khi đã sử dụng ma túy hoặc đã uống rượu bia. Đã xảy ra một số vụ việc người lái xe thiếu đạo đức, như bắt khách rồi bỏ giữa đường, nhồi nhét khách, gây tai nạn rồi bỏ chạy... Gần đây, một tài xế ô tô chở khách đã buộc sản phụ sắp sinh phải xuống xe, khiến người này phải sinh con bên đường và bé sơ sinh bị tử vong. Trước đó, một tài xế taxi có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông, đã xuống xe nhìn nạn nhân rồi bỏ đi. Cũng đã có nhiều vụ tài xế xe khách hành hung, buộc khách xuống đường.
Trên thực tế, nhiều người lái xe bị áp lực về thời gian, bảo đảm số chuyến, số khách, nên có xu hướng chạy nhanh ở những đoạn đường vắng không có chốt cảnh sát giao thông, chở quá tải, vừa lái xe vừa nghe điện thoại để đón khách, lái xe liên tục trong thời gian dài (theo quy định là không quá 4 giờ liền và không quá 10 giờ trong một ngày)… Ngoài ra, khi lưu thông, còn có biểu hiện ghét nhau nên chạy “dằn mặt nhau”, “so kè nhau”, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông khác.
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp lái xe
Trước hiểm họa tai nạn giao thông, việc đề cao ý thức trách nhiệm và đạo đức người lái xe cần phải được xem trọng. Trong chương trình dạy lái ô tô, cần nhấn mạnh nội dung đạo đức của người lái xe, như: trung thực, thẳng thắn, có tính tổ chức và kỷ luật cao, tôn trọng và tuân thủ Luật Giao thông đường bộ; thường xuyên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện đức tính cần cù, chịu khó, cẩn trọng, bình tĩnh; rèn luyện cách xử lý hợp lý và an toàn trong khi lưu thông; tôn trọng mọi người, có trách nhiệm cao với hành khách; làm chủ bản thân, làm ăn lương thiện, tránh xa các tệ nạn xã hội, không sử dụng các chất có hại đến quá trình lái xe (ma túy, rượu bia…), tuyệt đối không tiếp tay với kẻ xấu vận chuyển hàng cấm vi phạm pháp luật; cứu giúp tận tình người bị nạn.
Theo chương trình đào tạo lái ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nội dung đạo đức người lái xe được đề cập với các tiêu chí cơ bản như: nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông và kinh doanh vận tải, tự giác chấp hành đúng các quy định đó; có mối quan hệ đúng mức, nghiêm túc với người thi hành công vụ, có thái độ tôn trọng, cầu thị, nếu sai nhìn nhận sửa sai, chấp hành xử phạt; khi tham gia giao thông, lái xe phải biết nhường nhịn, tôn trọng các xe khác trên đường, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác khi tham gia giao thông; thực hiện đầy đủ trách nhiệm với hành khách… Tuy nhiên, nhìn chung, việc dạy các nội dung này còn sơ sài, chủ yếu học viên được hướng dẫn đánh đáp án nào là đúng, chứ không được giải thích kỹ về các yêu cầu đó.
Thực tế có rất nhiều người lái xe tận tụy với nghề, lái xe thật cẩn trọng, nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hành xử có văn hóa, có đạo đức. Đó là những câu chuyện đẹp đáng để nhân rộng trong toàn xã hội. Những việc làm tích cực đó ít nhiều làm thay đổi nhận thức của nhiều người về thái độ, ứng xử và đạo đức của giới lái xe. Cũng nên biểu dương, khen thưởng, giới thiệu những gương lái xe giỏi, an toàn, có cách xử lý tình huống khéo léo; đồng thời mạnh mẽ phê phán các lái xe vi phạm luật giao thông, bất cẩn, bất chấp tính mạng người đi đường. Trong chương trình sát hạch lái xe, nên có những câu hỏi tình huống về cách xử lý của tài xế, nhằm khơi gợi suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý, thể hiện được đạo đức của người lái xe.