Giả nhân viên y tế bắt cóc trẻ em tại Hà Nội: Đâu là lương tri – Đâu là tội phạm?!

LINH TRẦN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Có lẽ hành vi giả nhân viên y tế bắt cóc trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khiến dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhiều ý kiến cho rằng, hơn cả tội phạm bắt cóc trẻ em, đối tượng cần phải chịu “bản án lương tri”.

Nợ nần túng làm liều

Công an huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Tuyến (33 tuổi, ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) để điều tra về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Gia nhan vien y te bat coc tre em tai Ha Noi: Dau la luong tri – Dau la toi pham?! - Hinh anh 1
Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ nơi xảy ra vụ việc. 

Theo cơ quan chức năng, tối 19/8, Tuyến giả danh nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, tiếp cận vào khoa sản. Tại đây, nghi phạm chiếm đoạt một trẻ sơ sinh.

Qua xác minh, trẻ là con của bà Nguyễn Thị Hà (39 tuổi, ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ). Tuyến đang tìm cách đưa trẻ sơ sinh ra ngoài bệnh viện thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Đến ngày 21/8, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thông báo về kết quả đấu tranh ban đầu đối với Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1989; ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trong vụ án “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.

Theo đó, Nguyễn Thị Tuyến đang làm công nhân tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Thời gian gần đây, do cả tin nên Tuyến đã mắc bẫy kẻ lừa đảo trên mạng xã hội, bị chiếm đoạt số tiền hơn 10 triệu đồng. Đang lúc túng quẫn, Tuyến biết được tâm nguyện của một đồng nghiệp, là muốn tìm trẻ sơ sinh để nhận làm con nuôi nên đã tìm cách phạm tội để mong có được một khoản tiền “cảm ơn”.

Khoảng 20h ngày 19/8, từ chỗ làm cách đó 2km, Tuyến đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. Đến nơi, đối tượng kiếm được áo đồng phục nhân viên bệnh viện rồi lẻn vào khoa Sản, giả làm nhân viên. Do đây là khoảng thời gian thăm nom trẻ nên Tuyến dễ dàng di chuyển, quan sát, tìm được một bé sơ sinh mới chào đời ngày 18/8 và bế ra ngoài.

Khi di chuyển xuống tầng một, Tuyến bị một bác sĩ phát hiện do mặc trang phục của nhân viên y tế không có logo bệnh viện và hoàn toàn lạ mặt, nên đã giữ lại. Sự việc ngay sau đó được trình báo cơ quan Công an.

Hành vi cần nghiêm trị

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, bắt cóc trẻ em là nỗi ám ảnh không chỉ với trẻ em mà với cả người lớn, bởi hành vi bắt cóc trẻ em chỉ là khởi đầu cho một chuỗi những tội ác, bất hạnh sẽ có thể diễn ra ngay sau đó nên hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.

Vụ việc giả làm nhân viên Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) để bắt cóc trẻ em là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, gây lo lắng, hoang mang cho nhiều người, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và chuyển đối tượng và hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, nghiêm cấm các hành vi: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em... Hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quyền cơ bản của trẻ em, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra bi kịch buồn đau cho cha mẹ trẻ em.

Bởi vậy người thực hiện hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.


Hành vi đưa trẻ em ra khỏi nơi quản lý của cha, mẹ, người giám hộ một cách công khai thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc giấu giếm, lén lút nhằm chiếm đoạt quyền quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Người thực hiện hành vi chiếm đoạt trẻ em có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để chiếm giữ trẻ em hoặc giao trẻ em cho người khác chiếm giữ. Người thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép người dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 153 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù.

Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức, đối với từ 2 người trở lên, phạm tội 2 lần trở lên thì mức hình phạt có thể từ 5 năm đến 10 năm tù... Nếu hành vi được xác định là có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm thiện và có thể tới 15 năm tù.

Ngoài ra, nếu chiếm đoạt trẻ em để bán hoặc để tống tiền cha mẹ của trẻ thì những hành vi này sẽ bị xử lý về tội mua bán người, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc các tội danh khác có liên quan đến hành vi xâm phạm đến thân thể của công dân, hành vi chiếm đoạt tài sản...

Gia nhan vien y te bat coc tre em tai Ha Noi: Dau la luong tri – Dau la toi pham?! - Hinh anh 2
Lực lượng chức năng kịp thời có mặt tại nơi xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh. 

Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng, làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi, xác định hậu quả mà đối tượng đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Với hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi thì hình phạt thấp nhất là từ 3 năm tù, hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù. Nếu hành vi này mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của trẻ em hoặc của cha mẹ trẻ em thì đối tượng còn có thể bị xử lý về các tội danh khác nghiêm khắc hơn theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Vụ việc cho thấy nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra đối với trẻ em bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Chỉ cần người lớn sơ suất, nới lỏng là trẻ em có thể gặp nguy hiểm từ việc bị tai nạn, bị bắt cóc hoặc gặp các rủi ro khác như bị bạo hành, xâm hại....

Do đó, các bậc làm cha, làm mẹ, những người giám hộ, quản lý chăm sóc bảo vệ giáo dục trẻ em cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tránh tình huống trẻ em gặp tai nạn hoặc gặp phải đối tượng xấu có thể thực hiện hành vi bạo hành, xâm hại, bắt cóc... Bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện Nhi, bệnh viện Sản là những nơi đông người, trong đó có nhiều trẻ em.

Theo nhận định của Luật sư Cường, nguy cơ trẻ em bị đánh tráo, bị bắt cóc, chiếm đoạt rất cao. Ngoài việc các bậc phụ huynh nâng cao cảnh giác thì các cơ sở y tế cũng cần có những biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Cần kiểm soát chặt chẽ những người đưa trẻ em ra khỏi khu vực bệnh viện.

Nếu phát hiện trường hợp đưa trẻ em ra khỏi bệnh viện mà có biểu hiện khả nghi, không có giấy tờ hợp lệ hoặc giấy tờ có dấu hiệu giả mạo phải xem xét làm rõ và xử lý kịp thời.

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h