Giải cứu hàng không: Sinh mệnh nằm ở vận động

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các chuyên gia cho rằng, những ưu đãi về thuế, phí, giá vào lúc này là rất cần thiết với các hãng hàng không. Nhưng về lâu dài, gói cứu trợ tốt nhất vẫn là giúp những chiếc tàu bay được cất cánh lên bầu trời.

Giai cuu hang khong: Sinh menh nam o van dong - Hinh anh 1
 Các hãng hàng không đang rất cần những gói cứu trợ để vượt qua khó khăn hiện nay.

Bởi "sinh mệnh" của bất kỳ lĩnh vực kinh doanh vận tải nào cũng đều nằm ở "vận động”. Phải có hoạt động kinh doanh mới đảm bảo nguồn thu cho các DN và hàng không phải bay được mới tồn tại, sống khỏe được.

Nhiều ưu đãi về thuế, phí, giá

Kinh tế&Đô thị đã phản ánh, phân tích về những thông tin “giật mình” mà Bộ KH&ĐT đưa ra tình trạng khó khăn mà các DN hàng không đang phải đối mặt. Không lâu sau, những bộ, ngành liên quan lập tức vào cuộc và hành trình “giải cứu” hàng không đang được triển khai khẩn trương hơn bao giờ hết.

Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, theo tinh thần chỉ đạo trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, cơ quan này vừa thực hiện việc rà soát để giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đối với hàng không, Bộ Tài chính cho biết sẽ có nhiều lệ phí được giảm với mức giảm đáng kể. Thậm chí, có những khoản phí như nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay sẽ được giảm bằng 90% mức thu hiện hành.

Ngoài ra, các khoản phí khác như thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay cũng sẽ được giảm bằng 80% mức thu phí quy định. Riêng phí đăng ký giao dịch bảo đảm được giảm bằng 80% mức thu hiện hành. Việc giảm phí được áp dụng từ ngày hôm nay (1/7) đến hết ngày 31/12/2021.

Giai cuu hang khong: Sinh menh nam o van dong - Hinh anh 2
 "Cánh cửa bầu trời" của hàng không vẫn đang đóng cửa do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Đặc biệt, cùng với việc giảm nhiều lệ phí, các DN hàng không sẽ được nhận những khoản vay ưu đãi để phục vụ việc sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không.

Cơ chế hỗ trợ lãi suất vay này sẽ giúp các hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đang đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với nhiều dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Giai cuu hang khong: Sinh menh nam o van dong - Hinh anh 3
 "Hộ chiếu vaccine" đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Máy bay phải được “tung cánh” trên bầu trời

Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế đánh giá cao sự tích cực và khẩn trương của các Bộ: Tài Chính, GTVT, KH&ĐT trong việc triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho DN hàng không theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

“Lúc này, các DN hàng không rất cần tiền để trả những chi phí trên cũng như đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”, PGS.TS Ngô Trí Long nói và cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà vừa qua Bộ KH&ĐT đưa ra cảnh báo về tình trạng khó khăn mà các DN hàng không đã, đang và sẽ phải đối mặt, thậm chí là nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt.

“Trong hơn một năm qua, các DN hàng không đã phải căng mình để cầm cự trước đại dịch. Đến hiện tại, họ đã gần như “sức cùng lực kiệt” rồi. Nếu dịch vẫn tiếp tục kéo dài, các DN hàng không hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được cứu trợ sớm” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho rằng, những ưu đãi về thuế, phí, giá mà các bộ, ngành đang triển khai cho DN hàng không là rất cần thiết và quan trọng.

Giai cuu hang khong: Sinh menh nam o van dong - Hinh anh 4
 Các chuyên gia cho rằng "hộ chiếu vaccine" sẽ là giải pháp lâu dài cho ngành hàng không.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, chỉ có mở lại các đường bay quốc tế, giúp các tàu bay “tung cánh” trên bầu trời mới là cách tốt nhất, bền vững nhất cho ngành hàng không. “Phần lớn tàu bay do các hãng đi thuê với giá thuê rất cao. Khi tàu bay nằm đất, các DN hàng không mất hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Đây chính là nguy cơ lớn nhất mà họ đang phải đối mặt” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Thực tế, trong hơn một năm qua, các DN hàng không đã tìm mọi cách để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Trong đó có việc tăng cường các đường bay nội địa, tăng cường bay vào những dịp cao điểm hè, nghỉ lễ, Tết... Tuy nhiên, “họa vô đơn chí”, những đợt dịch bệnh bùng phát luôn nhắm đúng vào cao điểm làm ăn của các DN hàng không.

Kế hoạch kinh doanh bị đổ bể, nhiều chuyến bay bị hủy... các DN hàng không khó càng thêm khó. Theo nhiều chuyên gia, giải pháp tốt nhất lúc này vẫn là trông chờ vào “hộ chiếu vaccine”. Bởi chỉ có hộ chiếu này mới giúp máy bay “tung cánh” trên bầu trời và các hãng hàng không mới tìm lại được sức sống.

Và điều đáng mừng là hiện nay, việc tiêm vaccine Covid-19 đang được triển khai hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi nào các quốc gia đều có được miễn dịch cộng đồng, việc đi lại bằng máy bay với "hộ chiếu vaccine" sẽ được triển khai thuận lợi.

Được biết, trong báo cáo về tình hình vận tải hàng không trong 6 tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, nhất là vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại nhiều quốc gia vốn là trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu. Khi những nơi này đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng sẽ là cơ sở để Việt Nam từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV/2021.

Tin liên quan