Giải pháp nào để ngăn chặn việc để lộ thông tin hành khách đi máy bay?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các chuyên gia pháp lý và chuyên gia giao thông đều chung một nhận định, chế tài xử phạt đối với hành vi để lộ thông tin hành khách đi máy bay đã được quy định.

Vì thế, giải pháp tốt nhất là xử phạt thật nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, mới mong ngăn chặn triệt để vấn nạn để lộ thông tin hành khách đi máy bay.

Sai phạm có tổ chức

Đây là khẳng định của TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông khi nhận định về tình trạng lộ thông tin hành khách đi máy bay tại hãng hàng không Vietnam Airlines mà báo Kinh tế & Đô thị phản ánh. “Việc để lộ thông tin hành khách đi máy bay là một sai sót rất lớn của ngành hàng không. Đây không chỉ là câu chuyện chữ tín của hãng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.

Giai phap nao de ngan chan viec de lo thong tin hanh khach di may bay? - Hinh anh 1
Taxi đợi khách tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Công Hùng

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, đối với các nước trên thế giới, việc để lộ thông tin hành khách đi máy bay được coi là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng dường như ở nước ta lâu nay vẫn coi đây như một vấn đề nhỏ của ngành hàng không. Đó là lý do tại sao dù tình trạng này đã bị phát hiện từ năm 2013, song suốt nhiều năm qua vẫn không được loại bỏ.

“Vấn đề này nghe có vẻ nhỏ nhưng thật ra có thể gây ra những hậu quả và hệ lụy rất khó lường. Trách nhiệm lớn nhất đương nhiên thuộc về các hãng hàng không nói riêng và của toàn ngành hàng không nói chung” – ông Nguyễn Xuân Thủy nói.

Phân tích sâu hơn về vấn nạn lộ thông tin khách hàng đang diễn ra tại hãng hàng không Vietnam Airlines, các chuyên gia cho rằng, đây là sai phạm mang tính chất hệ thống, có tổ chức chứ không đơn giản chỉ do một vài cá nhân gây ra. Trong trường hợp này, thông tin cá nhân của hành khách đi máy bay được coi như một loại tài nguyên mang lại nguồn lợi lớn để các đối tượng tập trung khai thác rồi trao đổi, mua bán cho nhau.

Việc để lộ thông tin hành khách đi máy bay diễn ra với nhiều công đoạn nối liền và khép kín. Đầu tiên là đối tượng thu thập, khai thác thông tin cá nhân của khách hàng (có thể là nhân viên hãng hàng không, nhân viên đại lý bán vé máy bay...). Sau đó, thông tin này bán trực tiếp hoặc được chuyển qua một bên trung gian rồi bán cho đối tác sử dụng là những hãng taxi.

“Nếu chỉ một vài đối tượng đơn lẻ thì không thể nào thực hiện được cả một quy trình khép kín như thế này” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói, đồng thời khẳng định thêm, việc lộ thông tin hành khách đi máy bay trên thực tế là hành vi mua bán thông tin hành khách. Điều này cho thấy rõ ràng trong các hãng hàng không đang xảy ra tình trạng trục lợi từ việc bán thông tin khách hàng ra bên ngoài.

Phải phạt thật nghiêm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, đối với tình trạng để lộ thông tin hành khách đi máy bay đang diễn ra tại hãng hàng không Vietnam Airlines thì hãng này phải chịu trách nhiệm chính dù cho việc lộ thông tin đó do nhân viên của hãng hay do lỗi bảo mật hệ thống máy tính.

Giai phap nao de ngan chan viec de lo thong tin hanh khach di may bay? - Hinh anh 2
Tin nhắn mời chào khách gây rất nhiều phiền toái.

“Hành khách đi máy bay cần nắm rõ được điều này để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi thông tin cá nhân bị xâm hại. Trong trường hợp việc lộ thông tin cá nhân của hành khách gây ra thiệt hại, hành khách hoàn toàn có thể khởi kiện các hãng hàng không ra tòa án để yêu cầu bồi thường” – luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Theo quy định hiện hành, những hành vi bao gồm việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác hoặc lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân đều bị xem là vi phạm pháp luật. Hiện hành vi trên được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như tại Điều 38 Bộ Luật dân sự và Điều 6 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, tổ chức phải được cá nhân, tổ chức đồng ý.

Hay như tại điểm b, Điều 226, Bộ luật Hình sự, người có hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng viễn thông, internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó có thể bị phạt từ 10 – 100 triệu đồng hoặc có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất, đầu tiên có thể giải quyết bằng việc nâng cấp công nghệ để tăng cường tính bảo mật. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và cả lãnh đạo các hãng hàng không phải có sự giám sát chặt chẽ hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn, đặc biệt phải xử lý ngay những nơi bán vé để lộ thông tin khách hàng. 

"Quy định pháp luật đã có nhiều nhưng trên thực tế ghi nhận tại Việt Nam hầu như chưa có trường hợp DN nào bị kiện vì để lộ thông tin khách hàng do không đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng. Do đó, cách tốt nhất là hành khách đi máy bay nên tự tìm cách bảo vệ mình. Sắp tới ngành hàng không sẽ có sự cạnh tranh hơn, hãng nào chất lượng tốt, bảo mật thông tin cá nhân hành khách tốt thì nên lựa chọn. " - Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

"Việc dữ liệu cá nhân bị rò rỉ sẽ để lại nhiều hệ lụy. Đối với cá nhân có vị thế xã hội, họ thường giữ kín hành trình, thời gian đi lại để không bị làm phiền hoặc ảnh hưởng công việc của bản thân và nhiều hệ lụy khác có thể xảy ra. " - Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc trung tâm An ninh mạng Athena

Quý Nguyễn

Tin liên quan