Ở nước ta hiện nay lại đang tái diễn liên tiếp các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, do những người lái xe “ô tô điên” gây ra. Có vụ do chính họ gây ra và tự giết chết chính họ.
Tai nạn thảm khốc
Ngày 19/11/2016, 1 người lái xe Innova đi lùi trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đâm vào xe ô tô container chạy phía sau, làm chết 4 người.
Ngày 3/11/2018, cô gái 21 tuổi lái xe Mercedes GL 300, biển kiểm soát 30E-86836 “đánh” vô lăng và rồ ga húc đổ 1 đoạn lan can cầu Chương Dương (Hà Nội), khiến ô tô lao xuống sông Hồng. Cô gái lái xe này tử vong cùng 1 bạn gái ngồi trong xe.
Ngày 24/11/2018, ô tô tải đâm vào vách núi, ở km 79+700, quốc lộ 6, thuộc tỉnh Hòa Bình. Tài xế chết ngay tại chỗ.
|
Xe container chạy hướng Tiền Giang đi TP.HCM đã tông vào hàng chục xe máy đang dừng chờ đèn đỏ |
Mới đây, ngày 2/1/2019, xe container đâm chết 4 người và nhiều người đi xe máy (đang dừng xe chờ đèn đỏ) bị thương, tại km 1934+670, quốc lộ 1, ở phạm vi ngã tư Bình Nhật (gần cầu Bến Lức, Long An).
Do tài xế chứ không đổ thừa cho phương tiện?
Đối tượng gây ra 4 vụ TNGT đường bộ chết người nêu trên chính là số người lái những ô tô này gây ra, chứ không thể đổ thừa cho phương tiện - xe cộ hay cầu cống, đường sá...
Vụ thứ nhất, người lái xe Innova, đã vi phạm luật Giao thông đường bộ (GTĐB).
Cụ thể, điều 16, khoản 2 luật GTĐB quy định rõ ràng: Không được lùi xe trên đường cao tốc. Ấy vậy mà người lái xe này vẫn lùi xe đâm vào xe container chạy phía sau gây ra tai nạn, làm chết 4 người.
Vụ thứ 2, thiếu nữ lái Mercedes đã bị lạng tay lái vào lan can cầu Chương Dương. Đã thế chân lại đạp nhầm pê-đan phanh, sang pê-đan ga, lúc ấy ô tô có 1 sức mạnh “vô biên” biết bao nhiêu mã lực, khiến 1 đoạn lan can cầu bị đổ và xe ô tô lao xuống sông Hồng. Chứ đừng đổ tại lan can cầu cũ và yếu…
Vụ thứ 3, km 79+700 quốc lộ 6 trên khu vực dốc Cun, có nhiều đoạn vừa “cua” vừa dốc, đòi hỏi những người lái xe cơ giới phải chấp hành đúng tốc độ - Vmacx cho phép, để bảo đảm xe không bị lực ly tâm hắt rơi xuống vực (khi lưng đường cong về phía vực), hoặc đâm vào vách núi (khi lưng đường cong về phía vách núi). Song người lái xe tải này lúc xảy ra TNGT vào 5h30 sáng sớm, đường vắng sẽ rất dễ vi phạm tốc độ - gây ra TNGT.
Đấy là còn chưa kể người lái xe này có vi phạm tải trọng của xe hay không? Trường hợp xe ô tô bị “mất lái”, thì còn phanh - chứ sao lại húc quá mạnh vào vách núi đến mức xảy ra TNGT?
Vụ thứ tư, xem clip thấy rất rõ người lái xe container này đã không giảm tốc độ khi đến phạm vi giao lộ. Đã thế lại “đánh” tay lái vượt sai luật (chứ không phải mất lái), nên mới đâm vào hàng loạt người đi xe máy.
Để góp phần hạn chế số người lái xe “ô tô điên” gây TNGT chết người, tôi cho rằng trước tiên đương nhiên cần tập trung quan tâm vào đội ngũ những người lái xe (ô tô), bằng 5 việc nên làm ngay.
Việc thứ nhất, các trung tâm (trường) đào tạo người lái xe ô tô phần lý thuyết, cần nắm thật chắc luật GTĐB, điều lệ báo hiệu đường bộ, các chỉ tiêu kỹ thuật và yếu tố hình học liên quan đến an toàn giao thông…
Chẳng hạn các học viên phải biết được ngoài phần xe chạy ra, đường cao tốc còn bắt buộc phải có dải phân cách, dải an toàn và đặc biệt là làn dừng xe khẩn cấp. Tác dụng của nó ra sao? Hoặc tại sao đường “cua” phải có siêu cao? Thế nào là tầm nhìn 1 chiều và tầm nhìn 2 chiều? Thế nào là đường có ta-luy âm, hay đường có ta-luy dương? Hoặc khổ cầu là gì?...
Phần thực hành cần rèn luyện học viên nguyên tắc đường không được đi là không đi. Tránh tình trạng đường không đi được (vì có hào sâu, tường chắn…) mới chịu; còn đường có biển báo hiệu không được đi, nhưng vẫn cứ đi.
Tuyệt đối không dạy các học viên “chân phanh và chân ga”. Mà phải dạy họ pê-đan phanh và pê đan ga. Vì quy trình thao tác lái xe chỉ 1 bàn chân phải “phụ trách” 2 pê-đan: Phanh và ga, bất kể là xe số sàn hay số tự động cũng vậy. Và khi xe tiến sẽ dễ hơn lùi, nên cần hướng dẫn các học viên biết phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa xe tiến vào “cua” với xe lùi vào “cua”...
Việc thứ 2, kiến nghị QH xem xét, hiệu chỉnh điều 61, khoản 10, luật GTĐB, giao Bộ Công an sát hạch - cấp giấy phép lái xe (GPLX) dân sự.
Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an là bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mà TNGT tức là chưa trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay, việc sát hạch - cấp GPLX thuộc Bộ GTVT. Như thế khác nào Bộ Công an được giao nhiệm vụ kinh doanh 1 rạp chiếu phim, nhưng lại không được phát hành - thu tiền vé vào rạp.
Việc sát hạch - cấp GPLX giao Bộ Công an mới lôgic khoa học trong quản lý nhà nước.
Việc thứ 3, cần mở phần mềm nối mạng giữa Bộ Công an, Bộ GTVT, các trung tâm (trường) đào tạo lái xe và các trung tâm, đơn vị sát hạch - cấp GPLX; để theo dõi, cập nhật tất cả những người lái xe gây TNGT chết người, xem họ đã học, sát hạch - được cấp GPLX ở đâu? Hay nói cách khác: trung tâm (trường) đào tạo; Trung tâm, đơn vị nào sát hạch - cấp GPLX gây TNGT nhiều nhất? Trên cơ sở đó sẽ quy trách nhiệm liên đới, hoặc thậm chí có thể giải tán Trung tâm (trường) đào tạo lái xe ấy…
Việc thứ 4, cán bộ điều tra TNGT thật tích cực và tinh thông nghiệp vụ hơn nữa. Đơn cử điều tra vụ người lái xe Inova lùi trên đường cao tốc nêu ở phần đầu.
Việc thứ 5, cơ quan Tòa án sẵn sàng tuyên án với mức hình phạt nặng nhất đối với người lái xe gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Và nên xử án theo hình thức lưu động tại địa bàn - địa phương đối với những người lái xe gây ra những vụ TNGT chết người, sẽ làm tăng thêm hiệu quả sự răn đe cho toàn thể đội ngũ những người lái xe (phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông).