|
Nếu biển số xe được phép đấu giá, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ thu được một số tiền rất lớn. Ảnh minh hoạ |
Biển số đẹp, tăng giá, chênh vài tỷ
Câu chuyện ô tô bỗng nhiên tăng giá tiền tỷ sau khi có biển số đẹp khá phổ biến. Nhiều chủ xe sang đắt tiền ao ước có được chiếc biển số đẹp tương xứng, sẵn sàng chi tiền tỷ để mua. Nhiều người tiếc nuối khi nhìn những biển số đẹp tiền tỷ được gắn trên những chiếc xe bình dân giá vài trăm triệu đồng.
Ví dụ cụ thể nhất là đầu tháng 1/2021 trên một diễn đàn, nhiều người xôn xao về chiếc Mercedes-Benz GLC 200 thuộc sở hữu của anh Nguyễn Hữu An (SN 1980, quê Thanh Hóa), ngụ phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương gây chú ý khi bốc trúng biển số đẹp 61A – 888.88.
Bên cạnh những lời chúc mừng về việc chủ xe sở hữu được biển số đẹp thì theo đánh giá của nhiều người chiếc xe này có thể sang nhượng lại với giá mới lên tới 7 tỷ đồng, tức cao gấp hơn 3 lần so với mức giá niêm yết 2 tỷ đồng của chiếc xe nhưng anh An chưa đồng ý bán.
Trước đó, ngày 13/5/2020, anh Nguyễn Ngọc Liêm ở Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội đã may mắn “bốc” được biển số ngũ quý 3 cho chiếc Toyota Vios phiên bản 2020 mới mua. Ngay lập tức hình ảnh biển số xe 30G - 333.33 của anh Liêm được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội và nhận được lời khen ngợi vì độ “độc” của chiếc biển số.
Nhiều thông tin đồn đoán, sau khi sở hữu biển số đẹp như vậy, chiếc Vios của anh Liêm cũng được nhiều người ngỏ ý mua lại với giá cao ngất ngưởng thậm chí lên đến 3,3 tỷ đồng gây choáng.
|
Hình ảnh biển số xe 30G - 333.33 được lan truyền trên mạng xã hội và nhận được lời khen ngợi vì độ “độc” của chiếc biển số. |
Từng thí điểm triển khai đấu giá biển số xe
Câu chuyện đấu giá biển số xe không còn là vấn đề mới được các bộ, ngành chức năng mang ra bàn. Bởi trên thực tế, ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 127/TB-VPCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe ô tô.
Thời điểm năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Đến năm 2008, công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe.
Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Đơn cử, tại thời điểm đó đã ghi nhận một biển số "tứ quý" 9 ở tỉnh Nghệ An được bán với giá 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.
Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước là tài sản công; Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý Nhà nước. Chiểu theo các quy định nói trên, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công, nếu mang đấu giá phải thực hiện Luật Đấu giá tài sản.
Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký và Quản lý phương tiện, Cục CSGT cho biết, từ năm 1993, Cục CSGT từng đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.
|
Người dân làm thủ tục đăng ký xe tại Phòng CSGT, Công an Hà Nội. Ảnh minh hoạ |
Cần có sửa đổi cơ sở về mặt pháp lý
Theo ý kiến từ các chuyên gia, cần có sửa đổi cơ sở về mặt pháp lý để phục vụ cho việc thực hiện đấu giá biển số xe. Điều này nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân cùng các bộ, ngành, địa phương.
Cục CSGT, Bộ Công an cũng đang triển khai xây dựng đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá theo hai phương án.
Phương án 1, cho phép đấu giá biển số và sẽ giữ nguyên theo luật hiện hành. Theo quy định hiện nay, thì biển số được gắn với phương tiện được đăng ký. Khi sang tên, đổi chủ, nếu chủ mới cùng trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì biển số đó vẫn được sử dụng. Nếu chủ mới ở ngoại tỉnh thì biển số sẽ thu lại, người dân đăng ký ở địa phương nào thì sẽ được cấp biển số tại tỉnh, thành phố đó (cấm mua bán, trao đổi biển số - PV).
Phương án 2, người trúng đấu giá biển số được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng, thế chấp. Tức là người sở hữu biển số đó khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, việc quan trọng nhất trong đề án thí điểm lần này, đó là tháo gỡ vướng mắc trong quy định của pháp luật về quyền của người trúng đấu giá đối với biển số.
“Nếu chỉ cho phép người trúng đấu giá sử dụng biển số theo phương tiện thì rất dễ cho công tác quản lý của cảnh sát giao thông. Nghĩa là khi mua bán, chuyển nhượng thì biển số đó sẽ theo phương tiện hoặc bị thu lại nếu chuyển nhượng ngoại tỉnh. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn đó là biển số trúng đấu giá được coi là tài sản để người dân có thể mua bán, cho tặng, thừa kế, thế chấp… nghĩa là có đầy đủ quyền về tài sản đối với biển số đó”, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đấu giá biển số đẹp sẽ có lợi ích kép khi vừa công khai, minh bạch, vừa chấm dứt được tình trạng một số người bốc được “biển số đẹp” bán lại thu lợi lớn bỏ túi riêng hoặc hiện tượng chạy "cửa sau" chi tiền ngoài để có “biển số đẹp”. Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sẽ chi cho các chương trình an sinh xã hội.
“Thực tế, nhu cầu sở hữu biển số độc, lạ của những người có điều kiện về kinh tế là chính đáng. Việc đấu giá công khai giúp cho Nhà nước có thêm những khoản tiền dùng vào công tác xã hội, các hoạt động nhân đạo. Bản thân các cá nhân hay doanh nghiệp có thể đàng hoàng trả giá để mua những biển số mà mình ưng ý”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay.
Đồng quan đểm này một số luật sư cũng cho rằng, cần sửa đổi cơ sở về mặt pháp lý để phục vụ cho việc thực hiện đấu giá biển số xe. Bởi điều này nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân cùng các Bộ, ngành, địa phương.
Như vậy, có thể nhận thấy nếu việc đấu giá biển số xe được triển khai trên thực tế, dù theo phương án nào thì cũng phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài sản công, quản lý Nhà nước về trật tự xã hội. Còn cá nhân được thỏa mãn sở thích về biển số xe khi có nhu cầu trên tinh thần công khai, minh bạch, ngân sách tăng thu và người dân hưởng lợi.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện một số luật không cho phép việc mua bán biển số phương tiện giao thông, không đưa biển số phương tiện giao thông vào danh mục tài sản được phép đấu giá. Chính vì vậy, cần phải có những phương án tháo gỡ.
“Nếu chưa thể sửa luật thì chúng ta có thể đề xuất việc thực hiện thí điểm mô hình đấu giá biển số phương tiện giao thông bằng một Nghị quyết. Nếu mang lại hiệu quả thì tôi nghĩ là các cơ quan liên quan sẽ nhất trí việc ban hành chính sách cho phép việc đấu giá biển số”, ông Hòa nhìn nhận. |