Hà Nội: Cần thêm giải pháp giúp vận tải hành khách “hồi sức”

MINH THƯ
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các doanh nghiệp vận tải hành khách đang rất cần chính sách liên quan đến việc hạ lãi suất cho vay, giảm tiền thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp từ nguồn vốn kích cầu kinh tế...


Ha Noi: Can them giai phap giup van tai hanh khach “hoi suc” - Hinh anh 1
Khách vẫn thưa thớt ở Bến xe Giáp Bát dù một số tuyến xe liên tỉnh đã hoạt động trở lại.  

Nỗi lo của các doanh nghiệp 

Từ ngày 14/10, Hà Nội đã cho phép vận tải khách cả công cộng và liên tỉnh hoạt động lại từng phần, với tần suất hạn chế, 50% đối với xe buýt, từ 10 - 20% đối với xe khách liên tỉnh.

Sáng ngày 26/10, ghi nhận của PV, sau gần 2 tuần thí điểm, tại các bến xe như Giáp Bát, Nước Ngầm… đã có nhiều nhà xe hoạt động, phục vụ nhu cầu hành khách, tuy nhiên lượng khách vẫn khá mỏng. 

Đại diện bến xe Nước Ngầm cho biết, tại bến đã có các nhà xe đi Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… đã đi vào hoạt động nhưng đều vắng khách, nguồn thu nhập chủ yếu của các nhà xe đến bến hiện nay là giao nhận hàng hoá. Còn hành khách chưa đạt 20% sản lượng trước thời gian giãn cách xã hội. 

Một nhà xe tuyến Hà Nội - Nam Định cho biết: “Dù hoạt động thí điểm vận tải khách được hoạt động từ ngày 13/10, nhưng do nhiều nguyên nhân nên chúng tôi mới bắt đầu hoạt động tại bến xe Giáp Bát được 3 ngày. Đến nay, thống kê lại ngày nào cũng lỗ vài triệu đồng do không có hành khách. Nếu tình trạng này kéo dài, buộc nhà xe chúng tôi phải xin nghỉ tạm thời để bù nỗ”.

Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, hiện ở bến đã có các nhà xe Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh... hoạt động. Tuy nhiên, số lượng hành khách rất vắng, chỉ 400 - 500 hành khách/ ngày. Trong khi trước đây, mỗi ngày trung bình có 1,5 vạn hành khách. “Tỷ lệ xuất bến của các nhà xe đa phần chỉ vài ba hành khách, tuyến nào nhiều thì 5 - 7 hành khách”, ông Thành thông tin.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để giải quyết những khó khăn đang tồn tại của các doanh nghiệp vận tảo hành khách, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị thành phố các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó có đề ra giải pháp cụ thể như giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải nhận định, phía cơ quan chức năng cần căn cứ tình hình dịch bệnh để có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh, đó không chỉ là phí bến, bãi mà còn là phí cầu, đường để doanh nghiệp bớt được gánh nặng tài chính.


“Nhiều ngày phải nghỉ làm khiến đời sống lái xe khó khăn do thu nhập giảm hoặc không có thu nhập… Nhiều doanh nghiệp vận tải ngày càng lâm vào tình cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải đi vay lãi ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp vận tải mong muốn được hỗ trợ tín dụng, giảm các loại thuế phí, giảm bớt các “lực cản” để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng…”, ông Bùi Danh Liên cho hay.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, ngay sau khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh tái hoạt động, đơn vị này đã chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tuyến trên zalo, trong đó có sự tham gia của các địa phương, nhà xe để trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong điều tiết, tổ chức vận tải và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Song song với việc tìm giải pháp giúp vận tải hành khách “hồi sức”, Hà Nội cũng đã đề ra quy trình vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe, yêu cầu hành khách trước khi lên xe phải khai báo y tế qua mã QR Code dán ở cửa xe; danh sách hành khách sẽ được gửi 3 bản ở hai đầu bến và bến xe để phục vụ truy vết khi có yêu cầu và dữ liệu y tế của hành khách, số điện thoại, địa điểm di chuyển... sẽ được gửi về các cơ sở y tế.

Các chuyên gia vận tải cho rằng, vận tải khách trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước sẽ còn gặp khó khăn thêm một thời gian nữa, khi nào các cơ quan, nhà máy, trường học, cơ sở kinh doanh hoạt động lại bình thường mới có thể khởi sắc. Nhất là khi, vẫn còn một số địa phương chưa thống nhất về cách kiểm soát, quản lý, tổ chức vận tải hành khách, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến đà phục hồi của ngành vận tải cũng như cả nền kinh tế.

 Thống kê của Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội (đơn vị quản lý các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm), từ ngày 14 đến 24/10, cả 3 bến xe mới có 809 xe xuất bến với hơn 3.400 hành khách.
Riêng tại bến xe Giáp Bát, số lượng hành khách đạt từ 400 - 500 hành khách/ngày, cao điểm ngày 24/10 mới có khoảng 650 hành khách/ngày thay vì 1,5 vạn khách/ngày như thời điểm bình thường.
Tại bến xe Nước Ngầm, dù Hà Nội thực hiện thí điểm vận tải khách liên tỉnh từ ngày 13/10, nhưng đến ngày 20/10 tại bến mới có một số nhà xe các tuyến đi Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Vũng Tàu lên hoạt động. Các xe đều vắng khách, chưa đạt 20% sản lượng trước thời gian giãn cách xã hội.

Tin liên quan