|
Bộ GTVT vừa hối thúc Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, báo cáo và có đề xuất về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. |
Sớm có kết quả nghiên cứu và đề xuất
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, báo cáo và có đề xuất về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Trong văn bản này, Bộ GTVT cho biết, việc khai thác các chuyến bay rất hạn chế. Thực tế đã tạm dừng khai thác chuyến bay đi từ TP Hồ Chí Minh đến một số địa phương. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh vốn là nơi có mật độ các chuyến bay đi/đến nhiều nhất nhưng lại đang là một trong những địa phương "nóng” nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT có chỉ đạo liên quan đến vấn đề giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa trong thời gian vừa qua.
Trước đó, vào tháng 6/2021, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cạnh tranh giá vé máy bay. Nhiệm vụ của Tổ công tác là xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Trong trường hợp phát hiện những tồn tại, vướng mắc, Tổ công tác phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý và báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT.
Trên thực tế, vấn đề khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được hâm nóng từ nhiều tháng qua bởi những đề xuất của cả DN hàng không là Vietnam Airlines và cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không là Cục Hàng không Việt Nam.
|
Các chuyên gia cho rằng tăng trần và áp sàn giá vé máy bay sẽ hạn chế cạnh tranh. |
Tăng trần, áp sàn giá vé máy bay sẽ gây ra hiệu ứng gì?
Đầu tiên là Vietnam Airlines. Trong một cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam vào đầu năm 2021, hãng bay này đưa ra kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay. Trong đó, về giá trần Vietnam Airlines kiến nghị tăng mức giá trần 50.000 - 250.000 đồng/khách. Còn đối với giá sàn, hãng bay này kiến nghị theo 2 phương án, hoặc bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly, hoặc chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Vietnam Airlines coi việc tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay là giải pháp để hãng hàng không vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo lập luận của hãng bay này,cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không Việt Nam yếu đi.
PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không cho rằng, đề xuất tăng trần và áp sàn giá vé máy bay sẽ gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực đến thị trường giá vé máy bay mà chịu thiệt đầu tiên chính là người dân, là hành khách đi máy bay.
“Nếu tăng trần hay áp sàn giá vé máy bay thực tế là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu, làm khó cho các hãng bay khác. chúng ta sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân. Khi đó, khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính, cho rằng việc áp giá sàn là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh. “Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó, việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Chuyên gia kinh tế này lý giải, đây chính là lý do theo Luật Giá hiện nay Nhà nước chỉ áp giá trần chứ chưa áp giá sàn đối với thị trường hàng không và xăng dầu. Bởi hàng không và xăng dầu hiện chưa có cạnh tranh thực sự mà có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Chính bởi vậy, nếu áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa như đề xuất của Vietnam Airlines khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.
|
Đây cũng chưa phải thời điểm phù hợp để thả nổi giá vé máy bay. |
Không thả nổi giá vé máy bay vào lúc này
Không lâu sau đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines, đến lượt Cục Hàng không Việt Nam gây chú ý bằng đề xuất bỏ trần vé máy bay. Cụ thể, trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trường nếu đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản trong khung giá, không vượt mức tối đa do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Để lý giải cho đề xuất của mình, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hiện nay, với ự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao.
Do đó, việc áp dụng giá trần máy bay sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.
Đối với đề xuất bỏ trần vé máy bay của Cục Hàng không Việt Nam, chuyên gia Nguyên Thiện Tống nhận định việc bỏ trần giá vé cũng đồng nghĩa với việc giá vé máy bay sẽ được thả nổi.
“Đương nhiên việc thả nổi giá vé máy bay sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các hãng bay. Người dân sẽ được hưởng lợi. Khi đó, có hãng đưa giá cao, thì cũng có hãng sẵn sàng đưa giá thấp hơn để lôi kéo khách. Hiện tại, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng chọn hãng giá cao hơn với chất lượng phục vụ tốt hơn” – PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống nói.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không này cho rằng, việc bỏ trần giá vé máy bay cần nên có lộ trình, không nên đột ngột bỏ. Bởi bỏ giá trần ngay có thể gây ra biến động, ảnh hưởng tới khách hàng, nhất là với những hãng lữ hành đã tính toán để đưa ra giá tour cho khách.
PGS.TS. Ngô Trí Long khẳng định, trong bối cảnh thị trường hàng không đang biến động sâu sắc và gần như đóng băng do dịch bệnh Covid-19 thì bất cứ chính sách mới nào, kể cả tăng trần, áp sàn hay bỏ trần giá vé máy bay cũng không nên áp dụng vào thời điểm này.
“Quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đã được áp dụng trong một thời gian dài và đang có tính ổn định. Việc thay đổi chính sách chỉ nên áp dụng khi thị trường hàng không có sự thay đổi lớn chứ không phải trong bối cảnh thị trường đang gần như đóng băng như hiện nay” – chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.