|
Xe máy là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cũng như ùn tắc và TNGT. Ảnh: Thanh Hải |
Kinh nghiệm quốc tế
Ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước khu vực Đông Nam Á, do điều kiện thời tiết không quá khắc nghiệt về mùa Đông và hệ thống giao thông công cộng (GTCC) phát triển không theo kịp với nhu cầu đi lại nên xe máy là sự lựa chọn của nhiều người dân. Điều này dẫn đến tình trạng bùng nổ loại phương tiện cá nhân này, gây nên tình trạng giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng. Vì vậy một số TP lớn trong khu vực đã có những giải pháp để hạn chế xe máy.
Một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mianmar, Lào… hầu như không có xe máy đi trong TP. Đặc biệt ở Trung Quốc, năm 2007 đi đầu từ TP Quảng Châu rồi phát triển đến Côn Minh, Vũ Hán, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải và nay là 92 TP lớn của quốc gia này, xe gắn máy đã bị cấm lưu thông. Thực tế chứng minh, biện pháp này đã thu được nhiều lợi ích và kết quả tốt đẹp đối với cả giao thông lẫn môi trường sống của người dân.
Một ví dụ khá gần gũi với Hà Nội là TP Quảng Châu (Trung Quốc). Chính quyền TP nhìn nhận việc cấm xe máy lưu thông trong nội thành là vấn đề nhạy cảm gần như đụng chạm đến toàn xã hội nên việc thực hiện khá phức tạp và khó khăn, vì vậy phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và chu đáo. Chính quyền TP Quảng Châu không lựa chọn phương pháp đột ngột hoặc nóng vội, quyết liệt dứt điểm mà việc hạn chế xe máy được thực hiện suốt 16 năm, từ năm 1991 - 2007, các biện pháp đưa ra được thắt chặt dần dần theo lộ trình 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 1991 - 1995: Tuyên truyền và vận động đồng thuận; giới hạn xe đăng ký mới; cấm xe máy đi vào một số tuyến phố; cấm xe ngoại tỉnh; củng cố đường sá và tăng cường hệ thống vận chuyển công cộng. Giai đoạn 2 từ năm 1996 - 2001: Xe máy không đăng ký tại Quảng Châu bị cấm lưu hành hoàn toàn tại TP. Giai đoạn 3, từ năm 2001 - 2007, cùng với việc tuyên truyền cấm xe máy trong toàn TP, xe máy cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải bị tiêu hủy.
Từ việc cấm lưu hành xe máy trong giờ cao điểm trên các tuyến đường chính, năm 2007 TP Quảng Châu đã chính thức cấm sử dụng xe máy trong nội thành 24/24 giờ, buộc người đi xe máy phải chuyển sang phương tiện khác. Để phục vụ tốt cho việc đi lại của người dân, Chính quyền Quảng Châu đã tổ chức các mô hình: Xe đạp dùng chung; đưa vào vận hành xe buýt mini phù hợp với các tuyến phố nhỏ nơi trước đây chỉ xe máy có thể lưu thông… Sau một thời gian áp dụng có khoảng 50% người dân thường sử dụng xe máy đã chuyển sang đi xe buýt, 20% dùng ô tô, 20% dùng xe đạp làm phương tiện đi lại và 10% chuyển sang đi bộ.
Nên bắt đầu từ đâu?
GS. TS Vũ Thị Vinh - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam chia sẻ, năm 2017, Sở GTVT đã trình HĐND và UBND TP Hà Nội Đề án thí điểm hạn chế xe máy đi vào khu vực nội thành, trong đó xác định 6 tuyến đường hạn chế xe máy bao gồm: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng và Khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng (phạm vi Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn - Phùng Hưng). “Hà Nội dự kiến, trước khi cấm xe máy hoạt động trong trung tâm TP vào năm 2030 sẽ thí điểm hạn chế xe máy theo giờ từ thứ Hai - thứ Sáu hàng tuần trên các trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây lộ trình thực hiện từ phạm vi hẹp đến rộng” - bà Vinh nhận xét.
Nhiều chuyên gia nhận định, tổ chức thí điểm hạn chế xe máy trên 2 tuyến đường: Nguyễn Trãi và Tố Hữu - Lê Văn Lương là rất phù hợp. Bởi trên 2 tuyến đường này có 2 tuyến GTCC khối lớn chạy qua (tuyến buýt BRT 01 và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại. Tiếp đó có thể tính tới những tuyến đường có điều kiện tương tự như: Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, nơi có tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội sẽ vận hành vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cần giải quyết ngay là bố trí hợp lý các bãi đỗ xe đạp, xe máy để mọi người thuận tiện sử dụng GTCC. Bà Vũ Thị Vinh nhấn mạnh: “Đây là yếu tố quan trọng mà hiện tại các tuyến xe buýt của Hà Nội chưa được quan tâm ngay cả tuyến buýt BRT”. Bên cạnh đó, TP cũng cần tổ chức nhiều tuyến mini buýt để phục vụ cho người dân đi lại trong khu vực trung tâm.
Cùng với việc không cho xe máy vào khu vực trung tâm, đường sá sẽ thoáng đãng hơn và dọc các tuyến đường trồng nhiều cây xanh, kết hợp hè phố trật tự ngăn nắp không buôn bán tràn lan sẽ làm cho người đi bộ cảm thấy tiện nghi, dễ chịu. Mặt khác, Hà Nội cũng cần có quy định cụ thể đối với xe máy vận chuyển hàng hóa từ ngoại thành vào trung tâm, chỉ cho phép lưu thông theo giờ và trên một số tuyến nhất định.
Hạn chế xe máy là một vấn đề rất khó, bất kỳ giải pháp nào, dù hoàn chỉnh đến đâu, cũng đòi hỏi chính quyền và người dân cùng thống nhất, kiên trì, nhẫn nại và chịu khó mới thành công.
GS.TS Vũ Thị Vinh - Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam