|
Ảnh minh hoạ |
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm với xe máy. Thực tế thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.
Thực tế sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%. So với biện pháp đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường. Tuy nhiên, với số tiền chi trả ít ỏi 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy, trong bao nhiêu năm qua đã không ngừng tạo ra các cuộc tranh luận. Nói đúng hơn là đã tạo ra các cơn bão dư luận với sự phản đối rất gay gắt. Bởi không chỉ là “đoạn trần ai” đòi bồi thường, nó còn là sự vô lý nữa khi bản chất bảo hiểm là một hợp đồng dân sự với nguyên tắc đầu tiên là sự tự nguyện.
Từ thực tế trên, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
Cụ thể, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội mà còn giúp các DN kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội. Quy định này cũng không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, bảo hiểm bắt buộc là một biện pháp can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường thay vì dựa trên cơ sở tự nguyện. Đây không còn là quan hệ dân sự thuần túy. Do vậy, việc công khai các thông tin, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới là rất cần thiết để người dân, DN – đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ – biết và giám sát. Và một trong những yêu cầu rất quan trọng là trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới của các cơ quan quản lý.
Các dữ liệu được công khai bao gồm các số liệu về doanh thu bảo hiểm và số liệu về chất lượng giải quyết bồi thường, bao gồm số liệu tổng hợp và số loại đã phân theo loại phương tiện và theo DN. Qua đó, những thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy các DN kinh doanh bảo hiểm cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho toàn xã hội.