“Bom tai nạn nổ chậm” trên đường
Thời gian qua, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng chủ xe đục thủng mặt trên của thùng container, lắp thêm các dàn đẩy thủy lực để trở thành xe chở đất đá tự đổ. Những loại phương tiện này khi tham gia giao thông ngoài đường không khác gì những “quả bom nổ chậm” bởi có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Đáng nói, theo quy định hiện hành, phương tiện loại này sẽ không được đăng kiểm và điều này đồng nghĩa với việc không được ra đường. Thế nhưng, để phát hiện và xử lý những “quả bom nổ chậm” này lại không dễ dàng.
|
Xe đầu kéo container hoán cải lắp thêm hệ thống ben thủy lực. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, xe đầu kéo chở container hoán cải (gọi tắt là xe container hoán cải) đang hoạt động trái phép thường có hai loại. Loại thứ nhất có gắn ben thủy lực để nâng thùng container mỗi khi “nhả hàng”. Cơ chế hoạt động của loại phương tiện này là ống bơm dầu gắn từ đầu kéo đến trục bơm ben thủy lực sử dụng để nâng thùng container và đổ như một xe tải tự đổ. Đây là kết cấu kỹ thuật mà không một xe sơ mi rơ mooc chở hàng bằng container nào có. Cơ chế hoạt động này hoàn toàn khác so với xe đầu kéo chở container bình thường khi chỉ có các dây dẫn khí nén để phục vụ cho hoạt động của hệ thống phanh xe.
Loại thứ hai là container “chợ”. Đây là loại xe đầu kéo chở container đã hoán cải nhưng không có ben thủy lực để nâng thùng và đổ như một chiếc xe tải tự đổ mà chỉ sử dụng container đã cắt nóc để chở hàng. Được biết, chi phí để lắp hệ thống ben thủy lực trên xe đầu kéo, để chở container lên đến 500 triệu đồng nên không phải chủ xe nào cũng “chịu chi” để lắp thiết bị này. Bởi vậy, loại xe container “chợ” là lựa chọn của khá nhiều người.
Ngoài việc sử dụng container đã “quá đát”, một trong những nguyên nhân khiến xe container hoán cải trở thành những “quả bom tai nạn” thật sự chính là việc tải trọng của phương tiện có thể lớn hơn rất nhiều so với trước khi hoán cải.
Container sau khi hoán cải về bản chất không còn đúng quy chuẩn về một container thông thường, khi đó chỉ còn là một thùng chở đồ lắp trên xe. Lượng hàng hóa chở trên những thùng container hoán cải vượt quy định rất nhiều lần tùy theo thể tích của container cũng như khả năng chất hàng của chủ xe. Trong trường hợp “nhồi hàng” tối đa, tải trọng mỗi chiếc xe container hoán cải có thể vượt từ 3 - 4 lần so với quy định.
Với sức nặng khủng khiếp đó, khi lưu thông trên đường, loại phương tiện này trở thành kẻ phá đường, phá cầu hàng đầu. Ngoài ra, hệ thống lốp, phanh cũng không chịu nổi sức nặng, quá trình lưu thông có thể gãy khung, nổ lốp, thậm chí, khi vào cua còn có thể gây lật xe, rất mất an toàn. Đặc biệt, đối với loại xe container hoán cải “chợ”, do không có hệ thống thủy lực nên nguy cơ thùng bị trượt khỏi xe đầu kéo, rơi xuống đường và gây ra tai nạn rất lớn.
|
Thùng container được cắt đi để chở cát. |
Cần bổ sung chế tài xử phạt
Theo các chuyên gia, quy định hiện hành đương nhiên không cho phép xe container hoán cải được phép lưu hành trên đường bởi không được đăng kiểm. Tuy nhiên, do đặc thù của loại phương tiện này nên các chủ xe vẫn tìm cách lách luật.
Trước khi đi đăng kiểm, chủ xe sẽ tháo hết những phần đã lắp thêm như ben thủy lực và cũng không mang theo container đã cắt nóc đi cùng. Chính điều này khiến cho việc phát hiện xe đã hoán cải trong quá trình đăng kiểm rất khó khăn. Dù rằng, mỗi lần tháo lắp hệ thống ben thủy lực tốn chi phí cả chục triệu đồng nhưng nhiều chủ xe vẫn sẵn sàng bỏ ra hòng đảm bảo phương tiện có thể tránh được sự phát hiện của lực lượng chức năng khi đi trên đường.
Nhìn nhận vấn để qua góc nhìn pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị định 123/2021, hành vi sử dụng xe đầu kéo container hoán cải có thể phải đối mặt với hai hình thức xử phạt.
Thứ nhất, đối với xe container hoán cải lắp thêm hệ thống ben thủy lực sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe do tự ý thay đổi kết cấu phương tiện. Ngoài ra, loại phương tiện này còn đối mặt với các chế tài đối với hành vi chở quá tải với mức phạt từ 4 - 50 triệu đồng khi chở quá tải từ 10 - trên 50%. Đặc biệt, mức xử phạt có thể tăng lên tới 150 triệu đồng nếu mức chở quá tải cao hơn.
Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, chế tài xử phạt hiện nay mới chỉ tập trung vào hành vi chở quá tải và thay đổi kết cấu đối với xe đầu kéo và sơ mi rơ mooc chứ chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi hoán cải, cắt nóc thùng container để chở hàng. Thùng container trên thực tế hiện vẫn mới chỉ được coi là một loại bao bì đựng hàng chứ không được coi là phương tiện.
Chính bởi thế, khi kiểm tra xe đầu kéo container trên đường, lực lượng chức năng cũng thường bỏ qua không kiểm tra. “Kể cả có kiểm tra thùng container thì hiện nay chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng container hoán cải. Đây chính là cái khó của lực lượng chức năng đồng thời cũng đang là lỗ hổng mà nhiều chủ phương tiện lợi dụng để lách” - Luật sư Bùi Đình Ứng nói và cho rằng cần sớm bổ sung quy định sử dụng container hoán cải cũng như chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã ra yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến việc tự ý thay đổi kết cấu xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất. |