Hoặc uống rượu bia, hoặc lái xe: Phải biết chối từ…

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chỉ còn mấy ngày nữa, bắt đầu từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực. Hàng loạt hành vi sẽ bị coi là vi phạm pháp luật như xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Đặc biệt, người dân khi tham gia giao thông chỉ được phép lựa chọn, đã uống bia, rượu thì không điều khiển xe, dù là xe đạp. Ngoài ra, Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc.

Với người dân, đây được coi là thời điểm lịch sử phải đối diện với thử thách của chính mình trong cuộc chiến lạm dụng rượu, bia. Làm sao có thể chối từ những ly rượu mừng, những lời chúc sức khỏe, thành công. Làm sao có thể “nói không” với vô vàn lý do chính đáng từ những người “bề trên”, những bạn bè trân quí? Và cũng khó có được bữa trưa vui vẻ không rượu, bia khi bạn bè lâu ngày gặp nhau, cùng những buổi liên hoan, tiệc tùng mừng sinh nhật, khai trương, khánh thành? Khó lắm thay! Bởi thực tế “văn hóa rượu” tự hình thành trong đời sống Việt từ bao đời nay.

Trong các sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, rượu được xem như một thức uống quan trọng góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động và giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Nhưng chuyện mời rượu, ép rượu nhau đến mức say xỉn, không làm chủ được mình đã biến thành thứ văn hóa rượu, bia trở nên lệch lạc. Thế nên, tuy là nước nghèo nhưng Việt Nam là nước có tỷ lệ lượng bia, rượu tiêu thụ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến chất lượng lao động, kỷ cương nơi làm việc, những án mạng, những vụ tai nạn giao thông đau lòng. Tang thương không kể xiết!

Và hàng loạt quy định mới được đưa vào Luật là vừa ràng buộc, vừa mang tính nhân văn, nhân đạo, tiến bộ...  Thế nhưng, không ít người cho rằng để áp dụng những quy định mới này cần thêm lộ trình dài. Các cơ quan thực thi luật pháp phải làm thế nào để những người vi phạm phải “tâm phục khẩu phục” khi bị xử phạt, phải có biện pháp ra sao để việc tuyên truyền luật mới được sâu rộng đến mọi người?

Khó, nhưng không phải vì thế mà không thể thực thi, Luật đã ban hành, sẽ điều chỉnh hành vi của mỗi người. Hãy thay đổi, để cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt đi những vụ thảm sát do rượu, bia, bớt đi những tai nạn giao thông thảm khốc, bớt đi những bệnh nhân quằn quại, đớn đau vì rượu, đếm sự sống bằng giờ, bằng ngày. Đừng ép nhau ly rượu để nhận những hậu quả đau lòng. Hãy dũng cảm nói lời từ chối khi bị ép rượu, ép bia. Và mỗi người, đừng để vì chén rượu, ly bia mà phải hối hận khi đã quá muộn.

Từ 1/1/2020, Luật sẽ có hiệu lực, có thể cơ quan thực thi pháp luật chưa phạt được tận tay từng người vi phạm, nhưng việc thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia để mang lại sự an toàn, lành mạnh, mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng là điều vô cùng cần thiết.

Nhật Nguyên

Tin liên quan