Hơn nhau đâu chỉ nửa bánh xe !

 
Chia sẻ

Bức tranh giao thông Việt Nam có thể điểm suyết bằng những hình ảnh chi tiết thế này:

Hon nhau dau chi nua banh xe ! - Hinh anh 1
Ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn quá kém. Ảnh minh họa.

Ô tô, chạy ngược đường cao tốc. Xe máy ra khỏi nhà là cắm cúi, mải miết phi đến nơi cần đến. Ô tô đậu chắn lối cửa ra vào mặt phố. Chàng dừng xe máy chống một chân xuống đường nhựa, hếch mắt đấu hót với bạn cũ lâu ngày gặp. Nàng cũng chẳng kém gếch chân lên pe đan xe đạp... ghé bên chợ cóc mua rau muống cuối buổi đi làm về.

Có những chàng mắt sáng tóc nhuộm hoe hoe vàng, dừng phắt ô tô bên ngã ba đường phố, hạ cửa kính thò tay ra mua nắm xôi sáng, hoặc cái bánh mì kẹp pa tê để vừa lái vừa ăn cho kịp giờ công sở.

Có quý cô xinh đẹp môi đỏ chót, móng chân móng tay trang trí hoa văn cách điệu, đang điều khiển con Mercedes điệu đà trên đường phố cổ phanh xe đột ngột, thò bàn tay búp măng ra vẫy chị thôn nữ đang gồng gánh mùa thu vào phố..., mua cốm vòng, mà chẳng hề biết đằng sau là bao nhiêu người tham gia giao thông bị dồn ứ. Không phải các chàng nàng mặt quá “dày” coi thường thiên hạ sau tay lái, mà cái tính tiểu nông đeo bám lẵng nhẵng chẳng bao giờ rời bỏ được, dù “một bước lên tiên” hay “nửa bước lên quý ông quý bà” thì cái cách sử dụng phương tiện giao thông vẫn tùy tiện “vui đâu chầu đấy”. 

Tôi đã từng bị nạn va bị vạ ngay ở ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc và đường Tây Sơn. Hai chàng thanh niên ở một huyện ngoại thành đi xe cúp 78 vào phố vượt đường, lại gặp ô tô đi ngược chiều nên các chàng phải tạt lên trước đầu xe máy tôi để tránh. Tất cả đều ngã. Đèn vỡ. Mặt nạ hư. Cái để chân cày trên mặt đường nhựa thành vết dài. Trong khi hai chàng trai biết sai cứ một mực xin lỗi, còn hỏi “chú có bị sao không?” thì một đám con trai dặt dẹo, tóc dài, xăm trổ đầy tay ào đến. Người dựng xe, kẻ nhặt mảnh nhựa vỡ,... Rất tử tế đến mức cảm động, rồi bảo: “Các ông dẹp vào bên đường cho xe pháo người ta lưu thông”. Vậy là tạt hết lên vỉa hè. Lúc ấy, đám đông mới định giá hỏng cái gì, hết bao nhiêu tiền. Và dứt khoát bắt tôi phải đền.

Hai chàng trai kia, bỗng dưng hết tội lỗi, hiền lành cũng hùa theo cái đang sai thành đúng. Tôi bảo: “Xe tôi đi đúng chiều, hai anh này vượt trái, tạt đầu xe tôi”. Cãi nhau. Phân xử. Tôi bảo phải để công an giải quyết. Một gã xăm trổ con đại bàng ở ngực trừng mắt quát: “Giải quyết cái gì. Hiện trường xóa mất rồi. Ông xe dream đẹp hơn phì phải đền cho cái thằng cúp 78 tã rách kia.” Thì ra là cái đám vô công rồi nghề, dặt dẹo la cà, lấy quán nước vỉa hè làm nơi tụ bạ.

Thì ra, lại thêm một thứ luật rừng trên đường phố: Dù đúng dù sai, xe đẹp phải chào thua xe xấu; ô tô sang trọng phải “lạy”  xe máy; xe máy phải “bái” xe đạp; xe đạp phải van xin người đi bộ... Tôi không nói điêu đâu, bạn có xe Lexus hàng tỉ bạc cứ thử không may va chạm với cái “ô tô cỏ” hay xe cúp 80 chỉ vài triệu đồng xem?!

Chẳng biết các bạn đọc thế nào, tôi là tôi cứ nơm nớp lo khi dừng xe trước đèn xanh đèn đỏ. Lẽ thường tình là lúc “stop” để chuẩn bị chờ đèn xanh, vừa để xả hơi ít giây vừa là nhường đường cho người đi trên giao lộ cắt trước mặt. Chẳng ít người không bị ô tô đằng sau mất thắng, tự nhiên động rồ lên húc. Khủng khiếp nhất phải nói đến vụ “xe đầu kéo chở thùng container 40 feet trên Quốc lộ 1A, hướng từ miền Tây về TP HCM.

Khi đến ngã tư Bình Nhựt, đoạn gần cầu Bến Lức, tỉnh Long An, xe bất ngờ tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ phía trước. Chiếc container tiếp tục chạy tới cuốn nhiều xe máy khác vào gầm, kéo đi khoảng 150 m mới dừng lại”. Hậu quả tang thương là gần 20 người đau đớn nằm la liệt, hơn 10 người bị thương nhập viện, 4 người chết, 21 xe máy dúm dó, tanh bành thành sắt vụn, và phế liệu nhựa, cao su. Xe dừng chờ đèn đỏ mà cũng bị đâm húc chết, phải chăng số phận người tham gia giao thông mong manh, bấp bênh quá?

Đèn đỏ, dừng lại chờ không bị xe sau đâm vào đít thì cũng gặp kẻ yêng hùng cưỡi xe máy phân khối lớn lách lên, quay mặt lại chửi: “Ngu lâu thế! Có công an đâu mà dừng”, rồi rồ ga vù đi như tên bắn. Làm chấp hành đúng mà cũng bị chửi, bị mắng. Thật không biết đâu mà lần. Nhưng, phổ biến nhất là đèn đỏ bật lên rồi mà người ta cứ phóng vèo qua trước mũi xe của làn đường bên kia đã bắt đầu lưu thông. Nhanh chậm chỉ nửa vành bánh xe, sớm hơn chỉ năm bảy giây chẳng để làm gì, song người ta vẫn cứ lách, cứ vượt, rồi tạt ngang hông xe, đấu đầu xe... Xe thì ra bãi sắt vụn, còn người không ra nghĩa địa thì cũng vào bệnh viện truyền nước biển, bó bột chân tay. Thật sự lo lắng mỗi khi ra khỏi nhà là nguy cơ buổi tối, thậm chí mãi mãi không trở về.

Chẳng biết nhường nhịn nhau, mạnh ai nấy chạy là tình trạng phổ biến trên phố phường. Khi ùn tắc đường đôi khi chúng ta là nạn nhân đồng thời cũng là tội nhân. Đã ùn tắc đường rồi thì một nửa đường bên này nên bảo nhau, hoặc dưới sự chỉ huy của cảnh sát giao thông... nhường cho bên kia đi thì mới “giải phóng” được. Song, cái thói khôn vặt ranh ma, nóng vội, sốt ruột, hơn nhau chỉ một nửa bánh xe cũng không chịu nổi. Ai cũng cố lách lên, lấn đường, thậm chí “cướp đường” phía bên kia mà chạy ngược đường. Không tắc đường, người nêm chật như nêm cối mới lạ.

“Văn hóa giao thông” là cụm từ rất mới cần phải nghiên cứu thật kĩ, chỉ ra bản chất của nó và đưa vào giáo trình dạy cho người lái xe. Giáo dục văn hóa giao thông, nhưng cần có các biện pháp hành chính nghiêm minh. Tôi đã có thời gian sang Ba Lan công tác, gặp bạn bè Việt kiều lúc nghỉ ngơi thì uống bia rượu “tẹt ga” , nhưng khi cầm tay lái ô tô là không dám uống một giọt. Ai cũng như ai. Hỏi thì tất cả đều bảo: “Cảnh sát giao thông thử độ cồn quá mức cho phép thì thu bằng lái ô tô... vĩnh viễn”. Khiếp! Chẳng anh nào dám nhấp một giọt cồn khi ngồi sau vô lăng. Nước ta cần phải áp dụng các biện pháp hành chính mạnh hơn nữa, chẳng hạn như: tước bằng lái vĩnh viễn, cấm phương tiện vi phạm giao thông lưu thông ít nhất là 6 tháng hoặc 1 năm. Tôi tin rằng sẽ bớt đi rất nhiều chàng uống rượu lái xe như những vận động viên đua xe địa hình, đua xe công thức 1.

Vừa qua, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua dự án “Luật phòng, chống tác hại rượu, bia”, đã biểu quyết thông qua quy định "nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với 374/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 77,27%”. Luật này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Vậy là, các gã ma men sẽ bị Luật hóa điều chỉnh hành vi. Đó là các biện pháp mạnh, chứ không là tham ra giao thông, các gã nồng nặc hơi cồn không chết, thì người đi đường cũng hết đường sống.

Dân gian nói “trông mặt mà bắt hình dong”, nhìn người ta làm mà lo cho bản thân mình. Đi mua hàng phải là người tiêu dùng thông thái, thì chúng ta cũng nên làm người đi đường thông minh. Bạn mà thấy xe ô tô đánh võng trên đường, nhìn thấy đồng hồ chỉ tốc độ quá phép, hoặc thấy ông tài xế nào vừa cầm tay lái vừa áp di động vào tai nghe và “blô bla” thì hãy xin xuống đi xe khác. Đừng gửi tính mạng của mình cho những kẻ coi thường chính bản thân mình như cỏ rác.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Tin liên quan