|
Doanh nghiệp nội có cơ hội vàng để chứng tỏ năng lực ở dự án cao tốc Bắc - Nam. |
Phần lớn các chuyên gia đánh giá cao quyết định này của Bộ GTVT và cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho những DN nội tham gia để chứng tỏ năng lực.
Quyết định bất ngờ nhưng phù hợp
Ngày 24/9, Bộ GTVT bất ngờ phát đi thông báo về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư (hình thức hợp đồng BOT). Một trong những lý do được Bộ GTVT đưa ra là số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Cụ thể, trong tổng số 60 bộ hồ sơ tham gia dự thầu cho 8 đoạn kêu gọi đầu tư, có tới 4/8 đoạn dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 1 dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Bên cạnh đó, việc hủy chào thầu quốc tế, chuyển sang chào thầu trong nước nhằm triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT đánh giá là phù hợp trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt, để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đầu tư dự án, nâng cao năng lực xây dựng.
Quyết định trên của Bộ GTVT là tương đối bất ngờ, bởi cách đây chừng 2 tháng, thông tin liên quan đến công tác mời thầu cho 8 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông khiến không ít người bày tỏ quan ngại. Đó là trong tổng số 60 hồ sơ dự thầu chỉ có nhà đầu tư Pháp tham gia là Liên danh VINCI Highways - Horizon Invest.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc lại chiếm số lượng áp đảo. Trong số các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc có cả Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc vốn là công ty mẹ của Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc, đơn vị làm tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với nhiều bê bối về tiến độ và đội vốn đầu tư. Điều này tạo ra một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho các nhà đầu tư trong nước muốn tham gia dự án.
Nhiều chuyên gia khẳng định, với tình hình trên, các nhà đầu tư trong nước chỉ còn một con đường duy nhất để “thi đấu” với nhà đầu tư ngoại là tiến hành liên danh, liên kết. Tuy nhiên, sau 2 tháng tiến hành lọc hồ sơ, Bộ GTVT đã đưa ra một quyết định táo bạo nhưng được đánh giá là hợp lòng dân.
Vẫn phải giám sát chặt chẽ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư bày tỏ quan điểm tán thành cao đối với quyết định hủy đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông của Bộ GTVT. “Đây là một công trình có yếu tố đặc biệt về an ninh và quốc phòng. Bởi vậy, việc để nhà thầu nước ngoài vào làm chủ đầu tư xây dựng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh quốc gia” – TS Lê Đăng Doanh nói.
Ở phương diện ngược lại, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, khi Bộ GTVT quyết định chuyển sang đấu thầu rộng rãi thay vì đấu thầu quốc tế tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các DN trong nước sẽ có cơ hội lớn để chứng tỏ năng lực.
“Mặc dù dự án cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia nhưng việc đứng ra làm nhà đầu tư cho dự án này hoàn toàn nằm trong khả năng của các DN trong nước” – TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng nhấn mạnh, việc trao cơ hội cho các DN trong nước làm nhà đầu tư cho cao tốc Bắc – Nam cũng đặt ra một vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước phải đặc biệt lưu tâm, đó là công tác giám sát nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây lắp. Tất cả đều phải được siết chặt và theo dõi sát sao.
“Những bê bối về chất lượng công trình xảy ra đối với một số dự án cao tốc được phanh phui trong thời gian vừa qua đã là lời cảnh báo có sức nặng cho vấn đề này. Tất cả đều không nằm ở vấn đề năng lực của DN mà chính là ở khâu quản lý, giám sát. Công trình bị xuống cấp, hư hỏng phần lớn do thi công ẩu, bớt xén vật liệu chứ không phải kỹ thuật, trình độ làm đường” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Quản lý Giao thông, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đánh giá cao quyết định chuyển đấu thầu cao tốc Bắc - Nam sang nội địa của Bộ GTVT và cho rằng, đây là cơ hội không thể tốt hơn để các DN trong nước phát triển. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, việc chuyển hình thức đấu thầu sang nội địa chỉ là bước đi đầu tiên. Quan trọng nhất vẫn là khâu lựa chọn nhà đầu tư để tránh tình trạng để lọt nhà đầu tư năng lực kém vào tham gia dự án.
Đặc biệt, các nhà đầu tư liên kết, liên danh, Bộ GTVT cần phải kiểm tra thật kỹ để đảm bảo năng lực tài chính, kinh nghiệm, trách nhiệm.
“Tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc” lọt vào các dự án giao thông đã từng xảy ra. Ngoài ra còn có tình trạng nhà đầu tư sau khi trúng thầu đã bán lại cho các nhà đầu tư khác. Đây là điều cần ngăn chặn triệt để ngay từ đầu. Thậm chí, Nhà nước có thể lập hội đồng thẩm định độc lập với các nhà đầu tư, thay vì chỉ mình Bộ GTVT chấm thầu” – PGS.TS Phạm Xuân Mai phân tích.