|
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên đoạn đường qua thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). |
Sau khi uống rượu, bia, nhiều người không nhận thức được hành vi nhưng vẫn cố gắng điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ TNGT tại các tuyến đường, tuyến phố. Vừa qua, tại xã Hiệp Hòa Nam (Đông Hòa, Phú Yên), lái xe Võ Duy Đô (SN 1987, trú tại thôn Thọ Lâm, xã Hiệp Hòa Nam, huyện Đông Hòa) điều khiển ô-tô BKS 78C- 085.44 đâm liên hoàn vào hai xe máy và một xe đạp điện khiến bốn người chết, ba người bị thương.
Lực lượng công an giao thông đã kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của Đô, kết quả là 0,754mg/lít khí thở. Bước đầu, xác định lái xe Võ Duy Đô đã sử dụng đồ uống có nồng độ cồn vượt mức quy định trước khi gây TNGT. Trước đó, tại khu vực hầm Kim Liên, ngã tư Đại Cồ Việt (Hà Nội), anh Lê Trung Hiếu điều khiển xe ô-tô chạy quá tốc độ đã đâm vào một xe máy khiến hai người phụ nữ chết tại chỗ. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của lái xe ô-tô là rất cao, hơn 0,7 mg/lít khí thở.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban quốc gia ATGT Khuất Việt Hùng, vừa qua, Ủy Ban ATGT quốc gia phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo quốc gia “Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia về ATGT thông báo về tỷ lệ người tự điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia chiếm 68% (xe máy 62%, ô-tô 6%).
Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, những người nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng lái xe an toàn thì tỷ lệ chấn thương nặng cao hơn những người cảm thấy “không bình thường”. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đi sâu nghiên cứu mối tương quan giữa thói quen uống rượu, bia và TNGT trong quá khứ. Mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu; xác suất xảy ra TNGT đối với người điều khiển mô-tô, xe máy. Qua đó, đề xuất các giải pháp mới, có tính khả thi nhằm hạn chế mức thấp nhất TNGT do uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện gây ra…
Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch mở các đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội trên các tuyến đường sắt, đường thủy và đường bộ, gồm: Đợt 1 từ ngày 1-12-2019 đến ngày 14-12-2019; đợt 2 từ ngày 15-12-2019 đến ngày 14-2-2020. Trong hai đợt, lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố sẽ tập trung bảo đảm trật tự; phòng ngừa, làm giảm TNGT và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép. Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không nhường đường cho xe xin vượt; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ…
Lực lượng CSGT các địa phương cần tăng cường phối hợp các ban, ngành chức năng đề ra các giải pháp như kiểm tra ngẫu nhiên, xử phạt các lái xe vi phạm nồng độ cồn tại các bến xe. Siết chặt quy trình cấp mới, cấp lại giấy phép lái xe trong trường hợp người lái xe bị thu bằng do vi phạm nồng độ cồn. Tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình không uống rượu, bia và các đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Đẩy mạnh giáo dục về tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông và các biện pháp phòng tránh ở trường học.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn 0,05 mg/lít khí thở, nguy cơ gặp tai nạn tăng gấp đôi so với người bình thường. Con số này sẽ là 25 lần nếu nồng độ cồn ở mức 0,15 mg/lít khí thở. Do vậy, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần có chức năng não ổn định để xử lý các tình huống một cách chính xác. Hơn nữa, việc uống rượu, bia quá nhiều còn là nguyên nhân gây ra hàng chục loại bệnh nguy hiểm như ung thư gan, chảy máu dạ dày,…
TS, BS TRẦN THỊ HỒNG THU- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội)
Hiện nay, pháp luật xử phạt các hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông là tương đối nghiêm khắc, nhất là từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn cần tạo một môi trường pháp lý chặt chẽ, rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến các chế tài xử phạt, quản lý giấy phép lái xe,… là không muốn, không dám vi phạm.
Đại tá NGUYỄN VĂN CHÍ - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Yên Bái