Lái xe gây tai nạn: Trách nhiệm của nhà xe, doanh nghiệp ở đâu?

 
Chia sẻ

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đòi hỏi cần có những giải pháp siết chặt hơn nữa trong việc quản lý tuyến vận tải hành khách.

Gần đây, hàng loạt những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở xe khách tuyến đường dài và xe container gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người tham gia giao thông. 

Điều này lại thêm một lần nữa báo động đến các doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp siết chặt hơn nữa trong việc quản lý tuyến vận tải hành khách cố định và các tuyến xe chở hàng chạy đường dài. Bởi nếu không quản lý chặt chẽ các loại hình vận tải này thì không thể tránh được những vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguy cơ xảy ra.

Lai xe gay tai nan: Trach nhiem cua nha xe, doanh nghiep o dau? - Hinh anh 1
Cảnh sát giao thông sẽ xử lý nghiêm những trường hợp xe chở khách vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua. Ngày 17/6 tại Km 134+300 QL6, đoạn qua ngã ba Đồng Bảng (xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải thùng chở phế liệu BSK UN - 8500 với xe khách chạy tuyến Điện Biên - Vĩnh Phúc mang BKS 27B - 003.71 khiến 3 người chết, 38 người bị thương.

Trước đó, ngày 14/6, xe container lao qua phần đường ngược lại đoạn qua xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, tông bẹp xe 4 chỗ, khiến 5 người ngồi trên xe tử vong. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách và xe container xảy ra gần đây. Điều mà dư luận quan tâm, đặt câu hỏi, vậy khi tài xế gây tai nạn doanh nghiệp vận tải có phải chịu trách nhiệm?

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua thì một trong những nguyên nhân là việc doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe, khiến họ vì lợi nhuận mà xem nhẹ việc đảm bảo an toàn giao thông trên đường. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận và để mặc lái xe tự tung, tự tác trên đường.

Lai xe gay tai nan: Trach nhiem cua nha xe, doanh nghiep o dau? - Hinh anh 2
Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, trong số các nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, không thể không nói tới trách nhiệm của chủ phương tiện và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lơ là việc quản lý lái xe nhưng khi tai nạn chết người xảy ra, nhà xe chỉ phải đền vài ba chục triệu đồng, chế tài xử lý khi xảy ra tai nạn lại đang quá nhẹ. Hiện nay, chủ doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự và rõ ràng không có tính răn đe.

“Trách nhiệm chính thuộc các doanh nghiệp vận tải bởi các doanh nghiệp vận tải thực hiện công tác quản lý và sử dụng các lái xe của mình từ khâu tuyển dụng đến khâu đào tạo, tập huấn và phải giám sát hoạt động của người lái xe đảm bảo thời gian nghỉ ngơi của người lái xe”, ông Công Thủy nói.

Hiện trong các chế tài của pháp luật đã quy định rõ ràng, ngoài việc xử lý các lái xe vi phạm trực tiếp, các chủ doanh nghiệp cá nhân hay tổ chức đều có mức phạt đi kèm rất nặng. Do đó, nếu xảy ra các vụ tai nạn giao thông thì doanh nghiệp cũng không thể tránh khỏi những liên quan.

Tuy nhiên, thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng chấp hành tốt quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm các lái xe cũng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý các doanh nghiệp vận tải khi lái xe của họ gây tai nạn, bởi không ít chủ xe đã yêu cầu các lái xe chạy tăng chuyến, làm việc quá giờ, chở quá tải… Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói:  “Tôi nghĩ rằng phải có biện pháp để xử lý các doanh nghiệp vận tải. Là đơn vị quản lý lái xe, thuê người nên phải có trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ riêng đối với lái xe đó mà còn là trách nhiệm đối với cả xã hội, vì vừa qua đã xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc và rất nhiều người chết oan uổng”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vậy phải khởi tố không chỉ với lái xe, mà phải có cả trách nhiệm của chủ xe. Nếu đủ yếu tố hình sự, cần phải khởi tố theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời xử lý nghiêm doanh nghiệp ép lái xe làm việc quá giờ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói: “Phải tiến hành điều tra, làm rõ từng vụ, từng việc xảy ra và xem xét cả trách nhiệm hình sự đối với chủ xe, chủ doanh nghiệp căn cứ vào pháp luật hiện hành đã có, pháp luật hình sự đã quy định. Không thể nào chủ xe, chủ nhà xe, chủ doanh nghiệp lại không biết lái xe của mình nghiện ma túy. Họ phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát lái xe của mình trước khi xuất bến, xuất bãi. Việc này phải quy định, siết chặt đối với doanh nghiệp”.

Thực tế này đặt ra những đòi hỏi về mặt pháp lý đối với các cơ quan lập pháp. Bởi lẽ việc quy định rõ ràng, cụ thể hành vi vi phạm và chế tài nghiêm khắc đối với chủ doanh nghiệp hay chủ sở hữu phương tiện vận tải sẽ tạo cơ chế quản lý tốt hơn chất lượng tài xế tham gia giao thông, hạn chế việc sử dụng tài xế tùy tiện, thúc đẩy việc tuyển chọn và sử dụng tài xế đúng quy định pháp luật. Từ đó giảm bớt được các vụ tai nạn thương tâm.

Theo VOV

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h