Nâng “cấp độ văn minh”
Theo thông tin của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội, kể từ ngày 1/3/2022 lực lượng sẽ triển khai xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông theo hình thức mới. Cụ thể, thay vì lập biên bản giấy, CSGT xử phạt sẽ lập biên bản điện tử, sau đó người vi phạm được về nhà nộp phạt trực tuyến.
Theo đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, từ năm 2020, Phòng đã áp dụng hình thức xử phạt trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia, đây là biện pháp cải cách theo hướng thuận tiện cho người dân và phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Công an TP.
Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm giao thông mới sử dụng cấp độ 1, 2, người dân khi làm thủ tục và đi nộp phạt vẫn phải đến trụ sở công an. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp này rất cần được hạn chế. Do vậy, việc xử phạt và giải quyết các thủ tục hành chính của Phòng cần được nâng lên cấp độ 3 và 4.
Tại cấp độ này, việc xử phạt các lỗi vi phạm trên đường sẽ được CSGT lấy thông tin người vi phạm sau đó ghi biên bản điện tử trên hệ thống dịch vụ công (không cần giấy tờ), sau đó người dân sẽ được hệ thống gửi cho một mã số qua điện thoại để về nhà tra cứu, tiến hành nộp phạt trực tuyến. Hình thức này cũng giúp người dân sống ở đâu thực hiện nộp phạt ở đó, bãi bỏ việc phải đến tận nơi vi phạm để nộp phạt.
Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, anh Lưu Thành Công (36 tuổi, ngõ 136 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho rằng, hình thức mới mà CSGT TP Hà Nội sắp đưa vào triển khai một mặt sẽ hạn chế tiếp xúc giữa người vi phạm với lực lượng chức năng, hỗ trợ phòng, tránh lây lan dịch bệnh.
Thứ hai, hình ảnh lực lượng chức năng ghi phiếu phạt đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, công tác xử phạt được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng, không xảy ra tình trạng người vi phạm kỳ kèo, co kéo cán bộ để xin bỏ qua hoặc giảm nhẹ vi phạm. “Đối với lực lượng Công an TP, đây có thể chỉ là nâng cấp độ xử phạt hành chính. Nhưng đối với cá nhân tôi, có thể gọi đây là cấp độ văn minh mới”, anh Lưu Thành Công nói.
|
Ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi tư duy thực thi pháp luật về trật tự, ATGT. |
Góp phần triệt tiêu tiêu cực
Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, đây là một bước tiến mới, áp dụng công nghệ số và tạo điều kiện cho người dân. Vì với hình thức xử phạt vi phạm hành chính qua cổng dịch vụ công, người dân sẽ không phải đi lại một lần nào, chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt. Việc cải cách công tác xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông theo hướng thuận tiện cho người dân và phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an.
Bên cạnh đó, Luật sư Diệp Năng Bình còn đánh giá cao tác động của hình thức xử lý này đối với công tác phòng, chống tiêu cực. “Ở đâu đó vẫn còn những cán bộ, chiến sỹ để xảy ra tiêu cực xảy ra, do xử lý trực tiếp nên điều này là khó tránh khỏi. Trước đây, người dân vẫn có tâm lý ngại đi lại bởi với một quy trình cũ nên tâm lý mong muốn giải quyết nhanh nên phát sinh tiêu cực. Hy vọng khi chúng ta áp dụng công nghệ thì tình trạng này sẽ giảm dần và chấm dứt”, Luật sư Diệp Năng Bình kỳ vọng.
Trước đó, thông thường để xử lý một lỗi vi phạm nếu phải giữ bằng lái, giấy tờ xe, CSGT phải ghi ít nhất 2 biên bản, biên bản hiện trường và biên bản tạm giữ giấy tờ. Từ đó, người dân được hẹn ngày đến trụ sở công an làm việc, tiếp đến ra kho bạc nộp tiền, rồi trở lại trụ sở công an làm việc - nhận giấy hẹn.
Đến hết thời gian hẹn, người vi phạm lại đến trụ sở công an nhận lại giấy tờ bị tạm giữ. Với hình thức này, người vi phạm mất ít nhất 4 lần đi lại. Nhưng với hình thức xử phạt theo cấp công nghệ số, người dân không phải đi lại một lần nào, chỉ việc ngồi ở nhà tra cứu trên cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn để làm các thủ tục nộp phạt.
“Nếu áp dụng công nghệ mà phục vụ cho sự thuận tiện khi sử dụng dịch vụ hành chính công, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Ngay cả khi bị xử lý hành chính, nếu công tác thực thi được làm minh bạch, công khai, tôi cho rằng người phải nộp phạt cũng không có lý do gì để mang tâm lý ức chế” – Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng. |