Loay hoay kiểm soát khí thải phương tiện: Không thể chậm trễ hơn

 
Chia sẻ

Ô nhiễm không khí chắc chắn không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, ngày nào chưa có một lộ trình, giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, xe ô tô, thì ngày đó sức khỏe của người dân vẫn bị uy hiếp từng giây, từng phút.

Loay hoay kiem soat khi thai phuong tien: Khong the cham tre hon - Hinh anh 1
Xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TPHCM. Ảnh minh hoạ: Quang Hùng

Thời gian qua, không cần số liệu quan trắc hay thiết bị chuyên dụng, người dân thành phố vẫn cảm nhận rất rõ tình trạng báo động về ô nhiễm không khí.

"Đeo khẩu trang vẫn thấy không nhằm nhò gì. 12h00 trưa ra đường mình vẫn thấy lớp bụi mờ mờ trắng trắng. Vừa bụi vừa khói xe rất là khó chịu".

"Có những ngày không chịu nổi, tắc đường thường xuyên, mình nhích từng chút, hít thở khó khăn vô cùng". 

"Em cảm thấy không khỏe, những lúc mà phải chạy xe đường dài cảm giác rất là khó thở, về là rát cả mắt. Em cảm thấy không khí có mùi hăng hắc rất khó chịu".


Sau nhiều năm, “ô nhiễm không khí” đến nay đã không còn là một dự báo. Giữa những mịt mờ thông tin về ô nhiễm không khí, người dân đổ xô đi tìm các loại khẩu trang chuyên dụng, máy lọc không khí…trước những nỗi sợ cho sức khỏe của cả gia đình dù không ít người vẫn còn nhiều lầm tưởng về mối nguy hại từ ô nhiễm không khí,

TS Bác sĩ Phạm Lê Duy – Đại học Y Dược Tp.HCM nói:

"Tác động không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến toàn thân của mình, tất cả cơ quan như da, phổi, hệ tim mạch. Ô nhiễm không khí làm nặng hơn tình trạng viêm phổi hen suyễn, COPD… Ngoài ra, nặng hơn có thể gây ung thư phổi, hạt bụi mịn PM2.5 hay 0.1 thì nó còn ảnh hưởng da, vấn đề tim mạch. Nhiều người nghĩ ô nhiễm không khí chỉ ảnh hưởng đến hô hấp thì không phải!". 

Tổ chức Y tế thế giới WHO xác định ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Tuy nhiên, nguyên dân dẫn đến ô nhiễm không khí lại hiện hữu, chuyển động không ngừng kèm dòng khói đen kịt trên các tuyến đường, đó là các phương tiện giao thông và đặc biệt là các phương tiện giao thông không đủ chất lượng, tiêu chuẩn để lưu thông.

TS. Trần Ngọc Đăng- Giảng viên bộ môn Sức khỏe môi trường, Khoa Y Tế Công Cộng, Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh:

"Nguồn Giao thông vẫn là nguồn chính, khí CO 90% phát thải từ xe máy, SO2 các khu công nghiệp, cảng biển cũng đóng góp làm gia tăng nồng độ SO2, nhưng nguồn chính vẫn từ hoạt động giao thông…"

Loay hoay kiem soat khi thai phuong tien: Khong the cham tre hon - Hinh anh 2
Ảnh: Quang Hùng

Đồng ý với quan điểm trên, là người đã theo dõi và nghiên cứu chất lượng không khí nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn - Phó chủ tịch Hội nước và Môi trường TP.HCM, Phó chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định dù đã có những cải thiện nhất định, song bức tranh kiểm soát ô nhiễm không khí tại nước ta vẫn chưa có gì khả quan.

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn chia sẻ sự trăn trở về công tác kiểm soát phát thải của các phương tiện giao thông:

"Để hạn chế ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải, chúng ta phải giảm lượng phương tiện, phải tăng cường giao thông công cộng. Chúng ta phải đẩy mạnh việc kiểm soát phát thải của các phương tiện. Chúng ta đã kiểm định xe ô tô, nhưng xe máy đã thí điểm từ 2017. Nhưng đó tới giờ chưa thực hiện được". 


Theo ghi nhận, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố. Với những dự đoán tình hình ô nhiễm không khí sẽ có nguy cơ nghiêm trọng hơn, Sở GTVT TP.HCM đang xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Sở GTVT TP.HCM tính đến chuyện kiểm định khí thải, loại bỏ mô tô, xe máy cũ, không đủ tiêu chuẩn khỏi hệ thống giao thông của TP.  Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi văn bản “thúc giục” Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành hoặc sớm được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm trên địa bàn. Tuy nhiên do phải chờ sửa đổi, bổ sung luật Giao thông đường bộ, đề án này đến nay vẫn phải nằm chờ trên giấy.


Không thể chậm trễ hơn

Ô nhiễm không khí chắc chắn không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, ngày nào chưa có một lộ trình, giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, xe ô tô, thì ngày đó sức khỏe của người dân vẫn bị uy hiếp từng giây, từng phút. 

Loay hoay kiem soat khi thai phuong tien: Khong the cham tre hon - Hinh anh 3
Cần sớm giải bài toán bài toán kiểm soát khí thải từ phương tiện xe cơ giới

Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng khi đây là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đây là thực tế được cảnh báo từ nhiều năm nhưng đến nay, vẫn chưa có một động thái quyết liệt cùng những giải quyết khả thi để chấn chỉnh, khắc phục.

Được “chỉ mặt, đặt tên” là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí tại thành phố, song, sau gần 15 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất, tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019 nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, thì xe máy cá nhân vẫn không ngừng tăng lên, nhiều phương tiện quá hạn, không đủ chất lượng vẫn ngày ngày nhởn nhơ lưu thông trên các tuyến đường, gieo rắc nỗi khiếp đảm với những làn khói dày đặc, đèn kịt. Do đó, phải khẳng định việc kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông không thể chậm trễ hơn.

Trước tiên, thói quen cố hữu bấy lâu của những người điều khiển phương tiện cần được tuyên truyền, thay đổi. Đổ xô đi mua khẩu trang chống bụi mịn, máy lọc không khí gia đình… chỉ là giải pháp tình thế của mỗi người và không nên chỉ ích kỷ dừng lại tại đó. Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với cộng đồng, từ việc định kỳ bảo dưỡng phương tiện của mình theo khuyến cáo của nhà sản xuất; tuyệt đối không cố tình sử dụng các phương tiện quá hạn, không đủ tiêu chuẩn lưu thông với tâm lý “bỏ của chạy lấy người” nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt.

Ngay lúc này, lộ trình thực hiện, triển khai các quy định về kiểm soát khí thải đối với xe ô tô, xe máy đã có, cần phải thiết thực, rõ ràng và tập trung hơn để mau chóng có hiệu quả, thay vì chỉ nằm trên giấy. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP vừa đề nghị Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn TP. Tin rằng, xây dựng kế hoạch trên sẽ gian nan nhưng phải quyết liệt để có thể thí điểm, theo dõi kết quả thực tế tiến tới đánh giá, điều chỉnh và đề ra phương hướng triển khai toàn diện.

Song song đó, những quy định liên quan tiêu chuẩn khí thải; quản lý phương tiện cần được sớm cân nhắc điều chỉnh phù hợp. Bởi quy định về mức khí thải cho phép của các loại xe, cũng như thống kê và nghiên cứu để đưa ra mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp với môtô, xe máy đang lưu hành hiện nay vẫn còn bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, việc kiểm soát và nâng tiêu chuẩn khí thải là rất cần thiết không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở nhiều nước trên thế giới. Đáng nói, vấn đề kiểm soát, xử phạt các phương tiện quá hạn, không đủ điều kiện lưu thông vẫn còn gặp khó vì vấn đề "nhân thân" xe máy vốn phức tạp. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, việc quản lý, đề ra các chính sách liên quan phương tiện cá nhân cần được tính toán thận trọng vì trực tiếp ảnh hưởng nhiều tầng lớp xã hội.

Thời gian tới, không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện các chính sách, hệ thống quy định pháp luật liên quan, rất cần có một cơ quan chuyên trách với đội ngũ nhân sự có chuyên môn, tầm nhìn về quản lý ô nhiễm không khí để tránh sự nhập nhằng, chồng chéo trong trách nhiệm quản lý, dự báo và đưa ra cơ chế phối hợp khẩn cấp các ngành khác nhau trong những trường hợp xảy ra những sự cố về ô nhiễm không khí như Đức hay nước bạn Thái Lan.

Ô nhiễm không khí đã ở mức báo động, trong khi những kế hoạch còn nằm trên giấy, những giải pháp kiểm soát phát thải từ phương tiện giao thông còn dừng ở việc tuyên truyền, hô hào… thì ngay tại thành phố đáng sống, người dân dù muốn – dù không vẫn ngày ngày cùng hít thở một bầu không khí ô nhiễm trầm trọng…

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan