Luật sư nói gì về đề xuất “nợ phí đỗ ô tô bị xử phạt tới 50 triệu đồng”?

 
Chia sẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, một số nội dung trong dự thảo xử phạt những ô tô đậu trên lòng đường không trả phí của Sở GTVT TP.HCM chưa hợp lý.

Luat su noi gi ve de xuat “no phi do o to bi xu phat toi 50 trieu dong”? - Hinh anh 1
Thu phí ô tô trên đường Phan Chu Trinh, Q.1. Ảnh Đ.L

Chiều 26/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Lê Văn Phiến, Đoàn luật sưTP.HCM, cho biết việc Sở GTVT TP đề xuất dự thảo xử phạt những ô tô đậu trên lòng đường không trả phí là không hợp lý. Dự thảo này không có trong luật định, hành vi không trả phí đỗ ô tô chỉ với 30.000 - 40.000 đồng thì không thể có mức xử phạt tới 1 đến 2 triệu, càng không thể lên tới số phạt dưới 50 triệu đồng. Đây là mức phí dịch vụ nên không thể có khung xử phạt như thế đối với các chủ xe. Riêng việc tài xế không đóng phạt từ 15 đến 30 ngày và bị từ chối đăng kiểm phương tiện cũng chưa thuyết phục.

“Tôi cho rằng, bản thân đơn vị thu phí nên có nhiều biện pháp cứng rắn, thay đổi công nghệ để các chủ, tài xê ô tô nộp tiền đúng quy định thay vì nghĩ cách xử phạt. Cách thu tốt, không thể có chuyện tài xế đậu xe mà không trả tiền”, luật sư Phiến nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM cho rằng, việc xử phạt những tài xế đậu xe không trả tiền là nên, vì ý thức của người tham gia giao thông rất kém. Tuy nhiên, việc xử phạt như thế nào cần nghiên cứu kỹ. Hiện nay, UBND TP đã được Nhà nước cho phép có quyền tự chủ xây dựng các cơ chế đặc thù trong việc quản lý. Như vậy việc xử phạt đối với những trường hợp ô tô không nộp phí đều có thể nghiên cứu xây dựng được.

Theo ông Hoàng, bên cạnh việc xử phạt, công ty thu phí cần phải làm tốt công tác thu phí vì đây mới là mấu chốt của việc thất thoát phí. Khi mọi thay đổi không hiệu quả mới nghĩ đến việc xử phạt.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan về quy trình xử lý vi phạm đối với xe ô tô tại các tuyến đường tổ chức cho ô tô đậu thu phí theo giờ. Quy trình đề cập cụ thể trách nhiệm của lực lượng tại hiện trường, vai trò của UBND, Công an phường, quận có liên quan trong công tác phối hợp xử lý vi phạm hành chính về phí.

Theo đó, thông tin về phương tiện vi phạm mà người điều khiển không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính sẽ được tổng hợp, công bố rộng rãi trên website Sở GTVT, chuyển cho các cơ quan, đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới để phối hợp xử lý.

Các hành vi dự kiến thuộc diện bị xử lý vi phạm hành chính gồm: không đăng ký trả phí đỗ xe (đỗ xe nhưng không trả phí), đỗ xe quá thời gian đăng ký, đăng ký trả phí sai loại xe, sai mức phí, đăng ký sai mã bãi đỗ. Dự thảo nêu các bước xử lý xe ô tô vi phạm gồm: phát hiện, dán phiếu nhắc nhở; người vi phạm nếu không đóng tiền sau 3 ngày sẽ bị công bố trên báo chí và liên hệ với UBND phường để lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

UBND phường sẽ xử phạt từ 1 đến 3 lần, mức phạt tối đa không quá 50 triệu đồng. Sau 15 đến 30 ngày, người vi phạm chưa đóng phạt, đơn vị quản lý thu phí đỗ xe sẽ thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam treo cảnh báo từ chối đăng kiểm đối với phương tiện.

Theo Báo Giao thông

Tin liên quan