|
Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bị ảnh hưởng tiến độ bởi khó khăn trong vận chuyển vật liệu, máy móc và nhân sự qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Thanh |
Nhiều dự án bị đe dọa bởi dịch
Cao tốc Bắc – Nam phía Đông không chỉ là dự án trọng điểm quốc gia mà chính là “siêu dự án” giao thông đường bộ lớn nhất từ trước đến nay mà nước ta triển khai. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải cơ bản được hoàn thành vào năm 2025. Thời điểm hiện tại chính là giai đoạn “chạy nước rút” của dự án này. Tuy nhiên, đúng vào lúc quan trọng nhất, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp đã và đang đe dọa trực tiếp đến tiến độ thi công của nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Đặc biệt là các dự án đi qua địa phận những tỉnh, TP phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống Covid-19.
Ba dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch bệnh Covid-19 là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương nơi những dự án cao tốc này đi qua khiến cho quá trình triển khai thi công, công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị, vật liệu, máy móc khi cần sửa chữa tại dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi qua các chốt kiểm soát. Thiếu hụt về nguyên vật liệu, máy móc thi công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ trên công trường. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã phải có văn bản gửi đến từng địa phương đề nghị tạo điều kiện để xe vận tải chở máy móc, thiết bị, vật liệu và nhân công phục vụ cho dự án cao tốc Bắc – Nam qua các chốt kiểm dịch, nhằm đảm bảo cung ứng đủ cho các công trường.
Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương có dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua để cùng xây dựng, bổ sung “luồng xanh” vận chuyển vật tư, thiết bị và nhân lực cho các dự án. Đây được xem là chỉ đạo rất cần thiết và kịp thời của Bộ GTVT nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác vân tải hàng hóa, vật liệu để đảm bảo cho việc thi công trên công trường không bị ngắt quãng.
|
Xây dựng "luồng xanh" riêng cho các dự án giao thông trọng điểm là điều rất cần thiết. Ảnh: Lê Anh |
Tránh lặp lại bất cập của “luồng xanh” vận tải hàng hóa
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng “luồng xanh” riêng cho các dự án giao thông trọng điểm để phục vụ việc vận chuyển vật liệu, máy móc và nhân công cho những dự án này là vô cùng cần thiết. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch. “Vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo thi công xuyên suốt để giữ vững tiến độ đặt ra là nhiệm vụ tối quan trọng của các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia, trong đó có cao tốc Bắc – Nam. Muốn làm được điều này, nguồn vật liệu, máy móc phục vụ thi công trên công trường phải đảm bảo được tính liên tục, không được để đứt gãy” – TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, đúng ra Bộ GTVT phải tính tới việc xây dựng “luồng xanh” vận chuyển vật liệu, máy móc phục vụ cho những dự án giao thông trọng điểm từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam. “Kể ra khi xây dựng “luồng xanh” vận tải hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xây dựng luôn “luồng xanh” cho cao tốc Bắc – Nam và các dự án giao thông trọng điểm khác. Chứ để đến khi dự án bị ảnh hưởng rồi mới bổ sung “luồng xanh” là chậm” – TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các địa phương có cao tốc Bắc – Nam đi qua trong việc cùng phối hợp, xây dựng và đảm bảo vận hành “luồng xanh” cho dự án này. Ông Bùi Danh Liên cho rằng, sự phối hợp giữa Bộ GTVT và chính quyền các địa phương hiện nay vẫn chưa thật sự nhuần nhuyễn. Đây chính là lý do mà những bật cập khi vận hành “luồng xanh” vận tải hàng hóa tại nhiều tỉnh, TP vẫn xảy ra dù cho “luồng xanh” đã được xây dựng từ khá lâu.
“Điều này phải được cải thiện trong thời gian tới” – ông Bùi Danh Liên nói và khẳng định, đây chính là điều Bộ GTVT phải hết sức lưu tâm khi xây dựng “luồng xanh” cho cao tốc Bắc – Nam nói riêng và cho những dự án giao thông trọng điểm quốc gia nói chung để tránh lặp lại những bất cập, chồng chéo, thiếu nhất quán khi triển khai “luồng xanh” vận tải hàng hóa tại một số địa phương như hiện nay.