Mở rộng mạng lưới, giảm tải cho Vành đai 3

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đường Vành đai 3 Hà Nội, đặc biệt là đoạn tuyến đi qua đô thị trung tâm đang ngày càng quá tải nặng nề, ùn tắc giao thông (UTGT) có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn.

Muốn giảm tải cho Vành đai 3, phải khẩn trương mở rộng, bổ sung các tuyến đường ngang kết nối, tháo gỡ khó khăn, hoàn thành những công trình còn dang dở.

Thỏi nam châm bất đắc dĩ

Đường Vành đai 3 Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long nút giao Quốc lộ (QL) 5 hiện đã quá tải gấp nhiều lần thiết kế kỹ thuật ban đầu, hệ lụy tất yếu là UTGT cả đường trên cao lẫn dưới thấp, bất kể khung giờ nào. Các trục chính hướng tâm giao cắt với Vành đai 3 như: QL1 - Giải Phóng, QL6 - Nguyễn Trãi, QL32 - Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương - Tố Hữu cũng theo đó chịu vô vàn áp lực.

Để kéo áp lực ra khỏi đô thị trung tâm, Hà Nội đang tích cực triển khai đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở cũng sắp thông xe toàn tuyến, kỳ vọng có thể “chia lửa” cho Vành đai 3. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã và sắp được đưa vào khai thác như: Hầm chui Lê Văn Lương, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn Nhổn - Cầu Giấy… nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho Vành đai 3 trong thời gian ngắn.

Vành đai 3 hiện giống như thỏi nam châm bất đắc dĩ hút một lượng lớn phương tiện từ mọi hướng ra - vào trung tâm hoặc vãng lai qua một khu vực rộng lớn trải dài từ cửa ngõ phía Tây sang phía Nam Thủ đô. Các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ UTGT trên Vành đai 3.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng trên là do mạng lưới giao thông xung quanh Vành đai 3 còn thiếu khuyết, hệ thống đường ngang kết nối với trục chính xuyên tâm Thủ đô này còn nhiều điểm nghẽn chưa tháo gỡ được. Mặt khác, sự liên kết giữa các tuyến đường khu vực còn kém, khiến người dân thường lựa chọn cách di chuyển đến Vành đai 3 để trung chuyển sang hướng lưu thông khác.

Mo rong mang luoi, giam tai cho Vanh dai 3 - Hinh anh 1
Xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sẽ giảm tải cho cho đường Vành đai 3. Ảnh: Quyết Thắng 

Ví dụ như từ khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, muốn đi sang Hà Đông, Nam từ Liêm, QL6, QL32, đường trục phía Nam… và ngược lại, hướng lưu thông được lựa chọn nhiều nhất vẫn là qua Vành đai 3. Hay từ Đông Anh, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm sang Long Biên, ra QL5 cũng tương tự như vậy. Lượng phương tiện cá nhân nội bộ và cả ngoại tỉnh đổ vào Vành đai 3 gia tăng từng ngày, trong khi vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu khiến áp lực giao thông trên tuyến mỗi ngày thêm trầm trọng.

Mặt khác, các điểm giao cắt giữa Vành đai 3 với đường trong đô thị cũng còn nhiều hạn chế. Hàng loạt giao cắt như: Mễ Trì - Phạm Hùng, Lê Văn Lương - Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Giải Phóng - Hoàng Liệt… chưa được đồng bộ khả năng lưu thông, tạo nên những điểm nghẽn rải rác dọc tuyến.

Trong khi chờ đợi các đại dự án giao thông hoàn thành và phát huy tác dụng, Hà Nội cần mở rộng, bổ sung một số tuyến đường kết nối trong đô thị, giải quyết những điểm nghẽn tồn tại từ lâu để mở thêm nhiều hướng lưu thông không phụ thuộc Vành đai 3.


Mở hướng lưu thông mới

Hà Nội đã có quy hoạch GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016. Việc cụ thể hóa quy hoạch đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh Vành đai 4, TP cũng cần tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho mạng lưới giao thông đô thị xung quanh Vành đai 3.

Một số công trình giao thông có ý nghĩa chiến lược và cấp thiết cần được triển khai sớm hiện đang gặp khó khăn, bế tắc, cần sự vào cuộc quyết liệt của Thành ủy, UBND TP. Ví dụ như nút giao đường trục phía Nam - đường 70. Nếu hoàn tất nút giao này, cộng với việc mở rộng nâng cấp QL70, sẽ luân chuyển một phần lớn áp lực từ Vành đai 3 sang QL1, đường 70, đường trục phía Nam, giảm UTGT rõ rệt.

Hoặc như dự án đường nối từ Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) sang đường 70; đường 70 đoạn từ Vạn Phúc (Hà Đông) - Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm) cũng sẽ mở ra hướng lưu thông qua một khu vực đông đúc dân cư tại cửa ngõ phía Tây và Tây Nam TP, giảm thiểu UTGT cho trục Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Trãi - Trần Phú, Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy.

Đường trục Tây Thăng Long kết nối với cả 4 Vành đai: 2, 2,5, 3, 4 đang đầu tư dang dở cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giảm bớt lượng phương tiện lưu thông qua Vành đai 3. Tương tự là tuyến QL1 cũ đã được TP phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng, nếu đồng thời được hoàn thành với đường 70 sẽ tạo nên hướng lưu thông đi tránh Vành đai 3 và khu vực đô thị trung tâm.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai cũng có dự án đường Tam Trinh cần sớm hoàn thiện để mở hướng lưu thông từ Vành đai 3 đi Vành đai 2, vào trung tâm TP, sang cửa ngõ phía Đông và ngược lại. Sắp tới khi Vành đai 2 trên cao được đưa vào khai thác, trong khi vẫn còn một đoạn tuyến chưa được đầu tư đồng bộ (Ngã Tư Sở - Cầu Giấy), nếu không có đường lớn để phân luồng từ xa, Vành đai 2 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều năm nay Hà Nội đã phải đối diện với tình trạng chậm tiến độ tại một số dự án giao thông quan trọng điểm, trong khi dân số và lượng phương tiện gia tăng không ngừng. Thời gian qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP đã tạo nên lực đẩy mạnh mẽ để một số dự án bật thoát khỏi bế tắc như tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội là một ví dụ.

Trên cơ sở đó, Hà Nội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu ứng tích cực này, giải quyết các điểm nghẽn như nút giao đường 70 - đường qua khu đô thị Bitexco, đường nối Vũ Trọng Khánh - đường 70, đường Tam Trinh… Hầu hết các dự án này đều đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ kéo dài khiến khả năng đáp ứng giao thông trong khu vực hạn chế nghiêm trọng, là nguyên nhân thúc đẩy áp lực giao thông đổ dồn vào Vành đai 3.

Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn với Vành đai 3, cần có hướng lưu thông khác để lựa chọn, giảm thiểu UTGT cho một khu vực đô thị rộng lớn từ phía Tây sang phía Nam TP. Nhân dân vô cùng mong mỏi mọi cấp, ngành TP sẽ có những biện pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình còn dang dở, tiếp tục triển khai thêm những dự án cấp thiết khác xung quanh Vành đai 3.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh

NGỌC HẢI/KTĐT

Tin liên quan